Kinh tế xanh

Huế đưa cây sen vào phát triển kinh tế

Thứ hai, 8/3/2021 | 10:48 GMT+7
Theo kế hoạch về phát triển trồng sen giai đoạn 2021 - 2025 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh sẽ thực hiện việc mở rộng diện tích trồng mới cây sen nhằm nâng cao giá trị kinh tế và phát triển du lịch.

Kế hoạch nêu rõ, dự kiến đến năm 2025 tỉnh sẽ thực hiện việc mở rộng diện tích trồng mới cây sen đạt 745ha, trong đó sen cao sản lấy hạt chiếm khoảng 85 - 90% diện tích, sen địa phương (sen Huế) từ 10 - 15% diện tích; năng suất bình quân 18 - 20 tạ/ha, sản lượng ước đạt khoảng 1.200 - 1.400 tấn hạt/năm.

Giống sen trắng truyền thống ở Huế

Được biết, đầu tư cho 1ha sen trồng mới trung bình khoảng 65 triệu đồng (bao gồm chi phí lao động). Trung bình 1ha sen với năng suất bình quân 15 tạ/ha có giá bán tùy theo từng vùng, bình quân tại nhà vào thời điểm giữa vụ khoảng 45.000 - 50.000 đồng/kg (hạt tươi chưa bóc vỏ), cuối vụ có thể lên đến 50.000 - 55.000 đồng/kg. Doanh thu bình quân khoảng 65 - 70 triệu đồng/ha.

Giống sen đưa vào trồng trên địa bàn tỉnh chủ yếu là giống sen truyền thống của Huế (sen trắng Tịnh Tâm) và sen hồng cao sản, trồng để lấy hạt, bông. Sen Huế ngoài vẻ đẹp quyến rũ, hạt sen có phần xốp hơn sen Bắc, sen Nam, đặc biệt hạt sen có hương vị và không chát. 

Kế hoạch phát triển vùng trồng sen của tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả tiềm năng đất đai, trên cơ sở phát huy lợi thế giá trị của cây sen trên địa bàn tỉnh, tạo sự dịch chuyển mang tính bền vững từ phương thức sản xuất cũ sang phương thức sản xuất mới theo chuỗi giá trị, góp phần bảo vệ nguồn gen, kết hợp du lịch sinh thái và ẩm thực của Huế, cũng như nâng cao thu nhập cho nông dân...

Để thực hiện kế hoạch trên, UBND tỉnh đã đưa ra 6 giải pháp cơ bản gồm: giải pháp về kỹ thuật, giống; giải pháp về đất đai, tổ chức sản xuất; giải pháp về thông tin tuyên truyền và khuyến nông; giải pháp về mở rộng thị trường tiêu thụ; giải pháp về cơ chế, chính sách; kinh phí thực hiện kế hoạch.

Thanh Bảo