Trong nước

Hà Nội phấn đấu thêm 150.000 doanh nghiệp mới trong giai đoạn 2021 - 2025

Thứ ba, 19/1/2021 | 17:03 GMT+7
Trong những năm tới, Hà Nội tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng.

Trong năm 2020, Hà Nội cấp giấy chứng nhận cho 26.441 doanh nghiệp (DN) thành lập mới với số vốn đăng ký là 337.689 tỷ đồng, nâng tổng số DN trên địa bàn thành phố lên 303.646 DN. Số DN hoạt động trở lại là 6.298 DN (tăng 21% so với cùng kỳ). 

Trong đó, số DN tư nhân của Hà Nội đã không ngừng phát triển, đổi mới, đóng góp 40% tổng sản phẩm (GRDP) cho thành phố, cũng như tạo công ăn việc làm cho hơn 50% lao động. Theo mục tiêu của UBND thành phố, giai đoạn 2021 - 2025, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) phấn đấu tạo thêm khoảng 1,5 triệu việc làm mới cho người lao động; tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu chiếm trên 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Thủ đô; đóng góp trên 40% tăng trưởng GRDP và trên 30% ngân sách thành phố.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố Hà Nội

Trong năm 2021, Hà Nội đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm từ 7,5% trở lên; phấn đấu đạt tốc độ phát triển DN mới bình quân 10%/năm (khoảng 30.000 DN mới/năm), trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 có thêm 150.000 DN thành lập mới.

Quyết định số 5742/QĐ-UBND ngày 29/12/2020 do Chủ tịch UBND thành phố ban hành, phê duyệt đề án “Hỗ trợ DNNVV trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”, có 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để hỗ trợ thực hiện đề án trên. Bao gồm: hỗ trợ chung cho các DNNVV; hỗ trợ cho hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; hỗ trợ theo cơ chế của Hà Nội.

Kinh phí để thực hiện đề án là 957,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố Hà Nội hỗ trợ 832,5 tỷ đồng; đối ứng của các tổ chức, cá nhân là 125,1 tỷ đồng. Ngoài kinh phí thực hiện các nhiệm vụ theo dự toán của đề án trên, hàng năm, các sở, ban, ngành, đơn vị thuộc thành phố và UBND các quận, huyện… sẽ xây dựng dự toán kinh phí từ nguồn kinh phí chi thường xuyên cho các hoạt động hỗ trợ DNNVV đã được phê duyệt để triển khai thực hiện.

Theo đó, thành phố sẽ hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; hỗ trợ DN thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký DN; hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong các DNNVV; hỗ trợ chuyên gia tư vấn cho DN; hỗ trợ ít nhất 500 DNNVV trong lĩnh vực sản xuất, chế biến thuộc các ngành công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ điện tử...

Mặt khác, thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng dịch vụ công trực tuyến. Phấn đấu đến năm 2025, đạt 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN gia nhập thị trường, góp phần cải thiện chỉ số PCI; tháo gỡ vốn; đẩy mạnh tìm kiếm thị trường. Khuyến khích DN áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, công nghệ sản xuất sạch, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường.

Huyền Dung (T/h)