Trong nước

Triển vọng kinh tế Việt Nam 2021 phát triển bền vững

Thứ sáu, 15/1/2021 | 16:08 GMT+7
Theo Báo cáo “Kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng 2021: Đổi mới để thích ứng” của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương công bố ngày 15/01, sẽ có 2 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021.

Theo đó, tăng trưởng kinh tế năm 2021 có thể đạt mức 5,98% theo kịch bản 1 và 6,46% trong kịch bản 2. Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 4,23% trong kịch bản 1 và tăng 5,06% trong kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 5,49 tỷ USD và 7,24 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2021 lần lượt đạt 3,51% và 3,78%.

Giai đoạn 6 tháng cuối năm 2020 chứng kiến diễn biến khá sôi động về hội nhập kinh tế quốc tế như Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, ký kết Hiệp định RCEP và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA).

Tốc độ tăng GDP đạt 2,91% trong năm 2020, số liệu tăng trưởng 6 tháng cuối năm đã cho thấy sự phục hồi đáng kể so với 6 tháng đầu năm. Kết quả tăng trưởng của Việt Nam ít nhiều được đánh giá khá tích cực.

Cụ thể, tăng trưởng khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản đạt mức 2,68% trong cả năm 2020. Xuất khẩu nông sản được xem là điểm sáng trong 6 tháng cuối năm và trở thành dấu ấn của toàn khu vực. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,98% cho cả năm 2020. Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu vực dịch vụ, tốc độ tăng trưởng cả năm chỉ đạt 2,34% - mức thấp nhất trong toàn nền kinh tế.

Hệ sinh thái khởi nghiệp và sáng tạo được từng bước hoàn thiện, tạo ra làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ. Tương đối ít doanh nghiệp phải sa thải lao động, năng suất và chất lượng lao động trong toàn nền kinh tế có xu hướng cải thiện, tuy chưa thực sự rõ ràng.

Xuất khẩu nông sản là điểm sáng của kinh tế Việt Nam năm 2020

Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt gần 281,5 tỷ USD (tăng 6,5%), phục hồi khá nhanh trong quý III và quý IV. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 262,4 tỷ USD (tăng 3,6%); trong đó, nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước có xu hướng giảm. Tăng trưởng nhập khẩu tập trung ở lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo. Việt Nam đạt thặng dư thương mại hàng hóa, ước tính cả năm xuất siêu 19,1 tỷ USD. Con số này thể hiện phần nào hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành về xuất nhập khẩu, cải cách hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, Báo cáo nhấn mạnh lại thông điệp cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với sáng tạo và môi trường, gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro trong bối cảnh “bình thường mới”.

Năm 2021 là năm có nhiều ý nghĩa khi hệ thống chính trị tiếp tục được kiện toàn với việc tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, đồng thời là năm đầu thực Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2021 - 2025). Trong bối cảnh thế giới dự báo có nhiều biến động, đặc biệt là dịch COVID-19 còn phức tạp, khó lường, Nhóm chuyên gia Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV cho rằng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của Việt Nam vẫn là thực hiện thành công "mục tiêu kép" là vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả vừa phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Theo đó, nhóm chuyên gia đưa ra dự báo một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm 2021 như: tăng trưởng GDP năm 2021, các hoạt động kinh tế - xã hội được dự báo sẽ phục hồi mạnh hơn. Tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 dự báo có thể đạt 6,5 - 7%.

Nhóm chuyên gia khuyến nghị cần tập trung 8 giải pháp chính. Bao gồm: cần tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, kiên trì nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, phù hợp; chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô; sớm triển khai các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm đã đề ra, ưu tiên hoàn thiện thể chế; nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy xuất khẩu và thu hút FDI; tiếp tục thúc đẩy đầu tư công, góp phần tăng trưởng kinh tế và tạo nền tảng phát triển lâu dài; đẩy mạnh và quyết liệt, đồng bộ hơn các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh phát triển kinh tế số, nhất quán thực hiện tốt chương trình chuyển đổi số quốc gia; chú trọng tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ lực lượng doanh nghiệp.

Kim Bảo