Ngày 28/12, tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, 2020 được xem là năm thành công nhất của Việt Nam trong 5 năm qua về tinh thần và ý chí vươn lên trong mọi khó khăn, thử thách.
Năm 2020, nhiều nước đã rơi vào tình trạng suy thoái dưới tác động của dịch COVID-19 nhưng Việt Nam là quốc gia hiếm hoi duy trì tăng trưởng dương, kiểm soát tốt dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện thành công “mục tiêu kép”.
Cụ thể, Việt Nam không những thành công về phát triển kinh tế mà công tác xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng cũng được đẩy mạnh. Từ đó thiết lập lại kỷ cương phép nước, đẩy lùi tiêu cực, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ các cấp, từng bước lành mạnh hóa môi trường kinh doanh và môi trường xã hội.
Trong 5 năm qua, Việt Nam tạo ra hơn 1.200 tỷ USD giá trị GDP. Riêng năm 2020, trước sự suy thoái nghiêm trọng của kinh tế thế giới, kinh tế nước ta vẫn duy trì tăng trưởng dương, xấp xỉ gần 3%.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, theo tính toán của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), quy mô kinh tế Việt Nam giờ đây đạt hơn 340 tỷ USD, đứng trong Top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, tương đương hoặc vượt qua một số nền kinh tế có trình độ phát triển cao trong khu vực, kể cả một số “con hổ” của Đông Á.
Tạp chí The Economist cũng xếp Việt Nam trong Top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng thế giới (WB), với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8%/năm trong giai đoạn 2016 - 2019, Việt Nam nằm trong Top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương
Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế; an ninh lương thực được bảo đảm; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ đang trở thành xu hướng; xuất khẩu nông sản đạt hơn 41 tỷ USD.
Công nghiệp cũng có chuyển biến tích cực, theo chiều sâu với tỉ trọng hàng xuất khẩu qua chế biến tăng từ 65% năm 2016 lên 85% năm 2020; tỉ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tăng từ 23% lên 50% trong cùng kỳ. Nhiều ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, hàm lượng khoa học, công nghệ cao như viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, du lịch, thương mại điện tử phát triển khá nhanh.
Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, năm 2020 tổng GDP trong nước tăng 2,91%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 3,4%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 2,6%; vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện tăng 5,7%.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2020 ước tính đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5%; nhập khẩu hàng hóa đạt 262,4 tỷ USD, tăng 3,6%; xuất siêu 19,1 tỷ USD; chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 3,23%; lạm phát cơ bản tăng 2,31%.
"Mới đây, một hãng định giá thương hiệu nổi tiếng của Anh đã định giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam là 319 tỷ USD, tăng 29% so với năm ngoái, đưa Việt Nam lên vị trí thứ 33 (tăng 9 bậc) trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới", Thủ tướng nói.
Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 khoảng 6%, lạm phát khoảng 4%, cùng 10 chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác. Mặc dù để đạt được mục tiêu này là rất thách thức nhưng với quyết tâm chính trị cao, Thủ tướng đặt mục tiêu phấn đấu trong điều hành GDP 2021 thêm ít nhất 0,5 điểm phần trăm, lên mức 6,5% và đặt quyết tâm cao hơn cho các chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, năm 2020 phải được xem là năm thành công nhất của nước ta trong 5 năm qua về tinh thần và ý chí vươn lên trong mọi khó khăn, thử thách. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với tương lai đất nước không ngừng được củng cố và nâng cao. Những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất là dịp để mỗi chúng ta thể hiện bản sắc của tinh thần dân tộc, sự đoàn kết, “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”; tô điểm cho bản lĩnh, ý chí, khí chất của con người Việt Nam.