Trong khuôn khổ Hội nghị COP29 đang diễn ra tại Azerbajan, nguyên thủ và người đứng đầu Chính phủ các quốc gia đã cùng tham gia Hội nghị thượng đỉnh hành động vì khí hậu.
Hội nghị là diễn đàn để các quốc gia đưa ra những cam kết, hành động mới mạnh mẽ hơn trong đóng góp về tài chính, công nghệ và tăng cường năng lực thực hiện giảm phát thải khí nhà kính hướng tới thực hiện mục tiêu của Thỏa thuận Paris.
Phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị thượng đỉnh, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi hành động ứng phó biến đổi khí hậu cần tập trung vào 3 ưu tiên gồm: giảm phát thải khí nhà kính khẩn cấp; để hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng không vượt quá 1,5 độ C, thế giới phải cắt giảm 9% lượng khí thải toàn cầu mỗi năm; đến năm 2030, lượng khí thải phải giảm 43% so với mức năm 2019.
![](/userfile/User/thanhtam/images/2024/11/14/hoi-nghi-khi-hau-20241114142205693.jpg)
Quang cảnh hội nghị
Các nước phải hành động nhiều hơn nữa để bảo vệ người dân của mình, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương trước điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Nhu cầu tài chính cho thích ứng biến đổi khí hậu có thể lên tới 359 tỷ USD/năm vào năm 2030. Các khoản đầu tư thích ứng có thể chuyển đổi nền kinh tế, thúc đẩy tiến trình thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững. Các quốc gia dễ bị tổn thương cần chỉ rõ nhu cầu tài chính thích ứng trong kế hoạch hành động về khí hậu mới.
Về vấn đề tài chính, các nước đang phát triển mong muốn hành động ứng phó biến đổi khí hậu nhưng phải đối mặt với nhiều trở ngại. Do đó, COP29 phải phá bỏ bức tường tài chính khí hậu.
Tại hội nghị, Tổng thống Azerbajan Ilham Aliyev khẳng định sẽ ủng hộ mạnh mẽ cho quá trình chuyển đổi xanh của thế giới. Trước mắt, Azerbajan sẽ xây dựng các nhà máy điện mặt trời, điện gió và thủy điện với tổng công suất khoảng 6 gigawatt đến năm 2030. Azerbajan sẽ thay đổi cách nhìn của thế giới và thể hiện sự chuyển đổi mạnh mẽ từ một quốc gia nổi tiếng về sản xuất dầu mỏ, khí đốt sang năng lượng tái tạo.
Theo Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) Charles Michel, mức tài chính khí hậu của EU đã đạt 31 tỷ USD như một phần của lời hứa 100 tỷ USD. EU khuyến khích các quốc gia cũng tuân thủ nghĩa vụ tài chính, bao gồm các nước G7 và các nền kinh tế mới nổi.
Nhân dịp này, lãnh đạo nhiều quốc gia cũng đã có bài phát biểu về công tác ứng phó với biến đổi khí hậu. Cụ thể, Thủ tướng Anh SirKeir Starmer công bố mục tiêu khí hậu mới - giảm 81% lượng khí thải của đất nước vào năm 2035 so với mức năm 1990 và khẳng định Anh sẵn sàng là quốc gia đi đầu trong ứng phó biến đổi khí hậu.
Đại diện Nhóm các quốc đảo nhỏ, Thủ tướng Barbados Mia Mottley đã phác thảo kế hoạch chuyển đổi hệ thống tài chính để giải quyết những thách thức của biến đổi khí hậu. Các COP trước đây đã cam kết tài trợ nhưng năm nay phải là năm quyết định cơ chế giải ngân thực tiễn.
Việt Nga (T/H)