Hội COP29: Thảo luận các vấn đề then chốt về thích ứng với khí hậu

Thứ hai, 11/11/2024 | 12:48 GMT+7
Từ ngày 11 – 22/11, Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP29) diễn ra tại Baku, Azerbaijan.

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị COP29 có đại diện các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao, các thành viên Ban công tác đàm phán của Việt Nam về biến đổi khí hậu; đại diện một số cơ quan, địa phương, ngân hàng, doanh nghiệp đang triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.

Trong những ngày làm việc tới, Hội nghị COP29 sẽ thảo luận các nội dung chính trên cơ sở kết quả đã đạt được tại Hội nghị COP28 và những cuộc họp trù bị do Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) tổ chức trong năm 2024.

Hội nghị COP29 diễn ra tại Baku, Azerbaijan

Về thích ứng với biến đổi khí hậu, Hội nghị COP29 dự kiến tiếp tục thảo luận biện pháp thực hiện mục tiêu thích ứng toàn cầu (GGA) đã được thông qua tại COP28; chương trình UAE Belem về các chỉ số đánh giá mục tiêu thích ứng toàn cầu; đánh giá việc xây dựng và triển khai Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu (NAP); tăng cường thực hiện các hành động thích ứng với biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển và dễ bị tổn thương.

Về giảm phát thải khí nhà kính, Hội nghị tiếp tục thúc đẩy các bên giảm mạnh phát thải khí nhà kính, đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Điểm nhấn là Chương trình làm việc Sharm el-Sheikh về nâng cao tham vọng, thực hiện giảm phát thải khí nhà kính; chương trình làm việc về chuyển đổi công bằng UAE; xây dựng và thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cho giai đoạn 2025 - 2035 (NDC 3.0).

Về cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon, hội nghị tiếp tục hoàn thiện quy định, hướng dẫn chi tiết để các quốc gia thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon theo Điều 6 Thỏa thuận Paris. Tiếp tục thảo luận về kết quả huy động tài chính từ các nước phát triển cho ứng phó với biến đổi khí hậu tại các nước đang phát triển so với mục tiêu đạt 100 tỷ USD mỗi năm bao gồm đánh giá nguồn tài chính cung cấp và các điều kiện đi kèm; thảo luận mục tiêu huy động nguồn lực đến năm 2025 và giai đoạn tiếp theo; thảo luận biện pháp, quy định toàn cầu về tính minh bạch, điều kiện ràng buộc trong tiếp cận nguồn vốn cũng như khai thông nguồn lực tài chính tư nhân cho ứng phó với biến đổi khí hậu; tiếp tục hoàn thiện quy trình nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận nguồn tài chính khí hậu, đảm bảo cân bằng giữa tài chính cho “thích ứng” và “giảm nhẹ”.

Về triển khai kết quả đánh giá nỗ lực toàn cầu lần thứ nhất, Hội nghị COP29 sẽ tiếp tục thảo luận trong khuôn khổ đối thoại UAE về triển khai kết quả đánh giá nỗ lực toàn cầu đã được thông qua tại Hội nghị COP28. Đây được coi là sự tiến bộ trong giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và cung cấp nguồn lực để ứng phó với biến đổi khí hậu; thu hẹp khoảng cách giữa cam kết với hành động nhằm hướng tới đạt mục tiêu của Thỏa thuận Paris. Kết quả này cũng thúc đẩy các bên nâng cao tham vọng giảm phát thải của toàn nền kinh tế đối với tất cả các loại khí nhà kính, mọi lĩnh vực và hành động nhằm đạt mục tiêu 1,5 độ C và đưa vào nội dung NDC 3.0 giai đoạn 2025 - 2035.

Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Trưởng ban công tác đàm phán của Việt Nam cho biết, khẩu hiệu chính của Hội nghị COP29 là “Đoàn kết vì một thế giới xanh” và “Nâng cao tham vọng, kích hoạt hành động”. Khẩu hiệu đầu tiên ngoài lý do chiến tranh, vấn đề chính đặt ra là các nước cần thực hiện đúng cam kết cả về giảm phát thải khí nhà kính và đóng góp tài chính; nâng cao tham vọng của mình để tương thích với mục tiêu trong thỏa thuận Paris và “kích hoạt hành động” để biến cam kết thành hiện thực.

Về phía Việt Nam, ngay từ đầu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định hành động và kêu gọi các quốc gia cùng hành động, đạt được mục tiêu theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định cũng như nâng cao mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo. Việt Nam mong muốn thế giới có thể đoàn kết thông qua vai trò điều phối chung của Liên Hợp Quốc trong vấn đề biến đổi khí hậu.

Tại Hội nghị COP29, Việt Nam ủng hộ quan điểm các nước phát triển cần đảm bảo mục tiêu tài chính khí hậu và công khai, minh bạch nguồn thu cũng như các khoản chi tiêu qua báo cáo hàng năm. Bên cạnh đó, Việt Nam đề nghị chi tiêu cho thích ứng và giảm nhẹ cần có sự tương đồng bởi hiện nay, chênh lệnh đang quá lớn.

Theo báo cáo mới nhất, nguồn lực toàn cầu dành cho thích ứng biến đổi khí hậu nhiều năm qua chỉ chiếm khoảng 5% tổng chi tiêu cho công tác ứng phó biến đổi khí hậu, đồng nghĩa với trên 90% nguồn lực đang dành cho giảm nhẹ phát thải, khoảng 2 – 3% còn lại dành cho hoạt động vừa thích ứng vừa giảm nhẹ.

Ngọc Huyền (T/H)