Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải

Chủ nhật, 22/10/2023 | 10:07 GMT+7
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra, khảo sát thực tế và đánh giá tình hình ô nhiễm môi trường hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải trên địa bàn thành phố Hà Nội, các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương.

Tại buổi làm việc, ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo tổng quan tình hình ô nhiễm, nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước, hiện trạng công tác quản lý xử lý nước thải vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải và định hướng giải pháp.

Cụ thể, riêng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, các nguồn thải vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải gồm: nước thải công nghiệp, nước thải từ các hộ chăn nuôi, làng nghề, cơ sở y tế, nước thải dân sinh. Ngoài ra, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải cũng phải tiếp nhận lượng nước bị ô nhiễm có nguồn từ nước thải công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, sinh hoạt dân sinh dọc lưu vực sông Cầu Bây chạy qua địa bàn thành phố Hà Nội, đây được coi là nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải hiện nay.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cùng đoàn công tác đi khảo sát thực tế hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải

Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn và Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa nhấn mạnh, bảo vệ môi trường là nhiệm vụ chính trị, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống. Lãnh đạo tỉnh Hưng Yên đề nghị, đối với tất cả các nguồn gây ô nhiễm lên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, nếu cố tình xả thải ra nguồn nước, quá 3 lần bị xử phạt hành chính thì nên xem xét xử lý hình sự.

Đối với các dự án đầu tư sản xuất mới hiện nay, tỉnh Hưng Yên cũng đã thẩm định khá chặt chẽ về môi trường, kiên quyết từ chối tiếp nhận các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; với các đơn vị có lượng xả lớn ra môi trường thì yêu cầu nước xả thải ra môi trường phải đạt cột A. Bên cạnh đó, thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát các điểm xả lớn; đồng thời đặt trên 100 điểm quan trắc tự động để gắn trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường.

Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập ban chỉ đạo có sự phối hợp liên ngành, liên địa phương với quyết tâm lớn, bố trí nguồn lực để xử lý ô nhiễm đang tồn tại và ngăn chặn các nguồn ô nhiễm mới phát sinh. Thường xuyên kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm liên quan tới ô nhiễm nguồn nước nói chung và hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải nói riêng.

Chỉ đạo trong buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh yêu cầu sự vào cuộc sâu sát, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương trong bảo vệ môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Thông qua cuộc khảo sát và buổi làm việc này, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổng hợp ý kiến, nghiên cứu đề xuất với Chính phủ xây dựng đề án về xử lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

Để quản lý có hiệu quả nguồn thải, Bộ trưởng đề nghị các địa phương, đơn vị chuyên môn nghiên cứu, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung về các nguồn thải ra hệ thống Bắc Hưng Hải; lắp đặt mạng lưới quan trắc nước mặt hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải và duy trì quan trắc, quan trắc tự động thường xuyên kết nối với Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, từ đó phát hiện ra những nguồn thải phát sinh ô nhiễm.

Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị chuyên môn rà soát lại kỹ nhiều nguồn thải; tính toán sức chịu tải của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải để đề ra giải pháp trong thời gian tới.

Mặt khác, Bộ trưởng đánh giá cao cam kết của các địa phương trong việc bảo vệ môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, qua đó đề nghị các địa phương cần có báo cáo, chia sẻ cách làm cụ thể. Đề nghị kiểm soát các dự án đầu tư, khu sản xuất phải có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, thanh kiểm tra những dự án, cơ sở không đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường. Đối với dự án, cơ sở mới, bắt buộc phải có hệ thống thu gom, xử lý nước thải; khu vực làng nghề phải tuân thủ theo những quy định này.

Đặc biệt, Bộ trưởng đề nghị Hà Nội sớm triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn quận Long Biên cũng như hệ thống thoát nước thải trên địa bàn huyện Gia Lâm để hạn chế nguồn thải ra hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Các địa phương cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường nói chung cũng như môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải nói riêng.

Khả Như (T/H)