Kinh tế xanh

Khai mạc Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh 2022

Thứ hai, 28/11/2022 | 17:09 GMT+7
Ngày 28/11, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam) tổ chức Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh (GEFE) 2022. Sự kiện có sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn lãnh đạo cấp cao Việt Nam và châu Âu.

GEFE được tổ chức nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt được cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham đánh giá cao việc nhiều công ty, doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam chú trọng yếu tố bảo vệ môi trường. Cùng với đó, Chính phủ Việt Nam cũng cam kết mạnh mẽ trong các chiến lược phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Ông Alain Cany cho biết, Ủy ban châu Âu và Liên minh châu Âu rất quan tâm đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Do đó, diễn đàn là cơ hội để hai bên tăng cường cơ hội hợp tác, tìm ra nhiều giải pháp để tăng trưởng bền vững.

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu nên việc phát triển xanh, chống biến đổi khí hậu là rất quan trọng. Nhận thức được tình trạng đó, Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược phát triển xanh. 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu tại GEFE 2022

Theo Thủ tướng, công tác chống biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số tác động đến toàn dân nên cần có sự hợp tác của toàn dân. Cụ thể, Chính phủ lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, mọi chính sách hướng đến người dân và người dân phải được tham gia chính sách và thụ hưởng những kết quả này.

Theo đó, trong 11 tháng năm 2022, dù thế giới có nhiều biến động như lạm phát, khủng hoảng năng lượng, an ninh lương thực... nhưng Việt Nam vẫn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát tốt, tăng trưởng 3 quý đạt hơn 8%, bình quân cả năm đạt 8%. Các vấn đề về an ninh lương thực, xuất nhập khẩu, thu chi ngân sách... đều được đảm bảo.

Ngoài ra, Việt Nam đang xây dựng hai mục tiêu lớn là trở thành nước phát triển hiện đại, thu nhập trung bình cao đến năm 2030 và là nước thu nhập cao đến năm 2045. Để làm được điều này, Việt Nam tập trung vào 3 trụ cột, đó là tình hữu nghị Việt Nam và Liên minh châu Âu; xây dựng nhà nước pháp quyền - của dân, do dân, vì dân; xây dựng nền kinh tế thị trường, định hướng Xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, Việt Nam luôn đặt con người làm mục tiêu, không hy sinh các vấn đề môi trường để phát triển kinh tế.

Qua đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong Liên minh châu Âu hỗ trợ công nghệ tiên tiến, nguồn vốn xanh và rẻ, đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn vốn cho Việt Nam để khuyến khích đổi mới sáng tạo, đầu tư cho nghiên cứu phát triển hài hòa và bền vững.

Chủ tịch EuroCham nhấn mạnh, phát triển xanh đang là xu hướng tất yếu trên toàn cầu. Việc tổ chức GEFE 2022 là hoạt động hưởng ứng xu hướng trên và là dịp để châu Âu hỗ trợ Việt Nam hoàn thành các cam kết tại COP26, cũng như các mục tiêu phát triển được nêu trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030.

Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh sẽ bao gồm các phiên thảo luận tập trung vào các chủ đề: năng lượng và tài chính xanh, xử lý chất thải và phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Mỗi phiên thảo luận sẽ được chia thành các chủ đề phụ, với tổng cộng hơn 20 chủ đề thuộc lĩnh vực xanh như: thị trường vốn - nhu cầu tăng trưởng của Việt Nam; giải pháp cho du lịch xanh và bền vững…

Thanh Bảo