Kinh tế xanh

Phát triển bền vững kinh tế, văn hóa, du lịch tỉnh Lâm Đồng

Thứ hai, 21/11/2022 | 15:46 GMT+7
Ngày 20/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Lâm Đồng về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2023.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp báo cáo, dự kiến năm 2022, toàn bộ 18/18 chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh đều đạt và vượt so với kế hoạch. Tổng sản phẩm trong nước GRDP tăng 11,84%. Thu nhập bình quân đầu người hơn 75 triệu đồng. Thu ngân sách đạt 13.000 tỷ đồng. Khách du lịch đến Lâm Đồng tăng vọt (340%), đạt 7 triệu lượt.

Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, Lâm Đồng có vị trí chiến lược của khu vực Tây Nguyên, có lợi thế về diện tích lớn, điều kiện tự nhiên tốt. Thời tiết ôn hòa, mát mẻ quanh năm, nhiệt độ dao động từ 18 - 25°C, rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp và du lịch. Trong đó, có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và thơ mộng; sở hữu nhiều văn hóa phi vật thế đáng quý.

Tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ ra rằng, vấn đề kết nối vùng, công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng tài nguyên, môi trường, đất đai, khoáng sản, bảo vệ rừng, chuyển đổi giống cây trồng... của Lâm Đồng còn nhiều bất cập. Dự báo năm 2023 tỉnh vừa có thời cơ, cơ hội thuận lợi để phát triển nhưng cũng có nhiều khó khăn, thách thức đan xen.

Do đó, Lâm Đồng phải chú ý phát triển xanh, bao trùm, bền vững, hài hòa hơn trong thời gian tới. Vấn đề hạ tầng xã hội phải chú trọng hơn nữa; đã là một trung tâm du lịch thì phải "xanh, sạch, đẹp"; phải có diện tích phục vụ sản xuất kinh doanh, dịch vụ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng

Thủ tướng nêu rõ, tỉnh cần tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phục hồi kinh tế và Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong đó, phải khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, tự vươn lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất của mình, không ngừng đổi mới, sáng tạo. Chú trọng an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc, không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.

Lâm Đồng phải là động lực, cực tăng trưởng của Tây Nguyên, tập trung vào phát triển công nghiệp văn hóa với dịch vụ du lịch, phát triển nông nghiệp công nghệ cao; phát huy văn hóa bản sắc Tây Nguyên, kết tinh thành sản phẩm du lịch.

Thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào đổi mới sáng tạo, tăng năng suất, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, đặc biệt với những lĩnh vực có tiềm năng lớn như du lịch, dịch vụ, logistics, nông nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo... Chú trọng hợp tác, liên kết phát triển vùng thực chất, hiệu quả.

Phối hợp tạo chuỗi cung ứng, đa dạng hóa sản phẩm. Thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển dịch cây trồng, vật nuôi có năng suất, giá trị cao; tập trung xây dựng một số sản phẩm thương hiệu quốc gia.

Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách; phấn đấu sớm tự chủ ngân sách. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các dự án, công trình trọng điểm.

Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong ngành, lĩnh vực tiềm năng. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đồng thời thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu phát triến nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế.

Triển khai hiệu quả công tác an sinh xã hội, bảo đảm phúc lợi xã hội. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống tốt đẹp, các di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu các dân tộc Tây Nguyên…

Thanh Bảo (T/H)