Khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước bền vững

Thứ sáu, 21/10/2022 | 09:55 GMT+7
Với tầm quan trọng của tài nguyên nước đối với phát triển bền vững, yêu cầu quản lý tài nguyên nước phải theo phương thức tổng hợp, sử dụng đa mục tiêu và phải gắn với các tài nguyên khác.

Từ tầm nhìn Kế hoạch hành động...

Một trong những mục tiêu của Kế hoạch hành động quốc gia nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước là: “Bảo đảm quản lý, khai thác sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước theo phương thức tổng hợp, toàn diện và hiệu quả cao nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia cho trước mắt và lâu dài, góp phần phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội và quốc phòng, an ninh trước diễn biến của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và sự suy giảm của nguồn nước”.

“Đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người” là 1 trong 17 Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Để đạt được mục tiêu này, 1 trong các nội dung của kế hoạch là đến năm 2030, tăng đáng kể hiệu quả sử dụng nước trong tất cả các lĩnh vực, đảm bảo nguồn cung nước sạch bền vững nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm nước, giảm đáng kể số người chịu cảnh khan hiếm nước.

Bảo đảm việc khai thác nước không vượt quá ngưỡng giới hạn khai thác đối với các sông, không vượt quá trữ lượng có thể khai thác đối với các tầng chứa nước; thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông, bao gồm cả nguồn nước xuyên biên giới thông qua hợp tác quốc tế; bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái liên quan đến nước.

Giám sát, quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông

Thực tế, những năm qua, quản lý tài nguyên nước đã và đang đạt được những thành quả đáng khích lệ. Luật Tài nguyên nước, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật và các Thông tư ban hành đã và đang là những công cụ quản lý hiệu quả. Các quy định mới được điều chỉnh, bổ sung trong Luật Tài nguyên nước phù hợp và đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý tài nguyên nước trong giai đoạn hiện nay và giai đoạn tới.

Tuy vậy, công tác quản lý tài nguyên nước vẫn còn rất nhiều khó khăn. Đó là thiếu công cụ quản lý quy hoạch tài nguyên nước; việc thực hiện quy hoạch tài nguyên nước hay các quy hoạch chuyên ngành có liên quan mới chỉ được đầu tư ở cấp tỉnh/thành phố và chỉ tập trung trong phạm vi của tỉnh hoặc đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng của từng ngành mà chưa xem xét, đánh giá toàn diện tiềm năng nguồn nước, nhu cầu sử dụng của các ngành…

Cấp thiết thông qua Quy hoạch

Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì cuộc họp của Hội đồng thẩm định Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cuộc họp đã thông qua dự thảo Quy hoạch này.

Mục tiêu cụ thể của Quy hoạch đến năm 2030 là điều hòa, phân phối công bằng, hợp lý giữa các đối tượng sử dụng nước ở các vùng, các địa phương theo quy hoạch tổng hợp lưu vực sông, đảm bảo chiến lược phát triển kinh tế, an sinh xã hội; đến năm 2025, 100% lưu vực sông lớn, quan trọng có quy hoạch tổng hợp lưu vực sông. 

Trong đó, đảm bảo nguồn nước góp phần nâng tỷ lệ sử dụng nước sạch cho mục đích sinh hoạt của dân cư đô thị đạt 95 - 100% và 65% dân số nông thôn sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn quy định; kiểm soát cơ bản 90% các hoạt động khai thác, sử dụng nước; nâng cao năng lực khai thác, sử dụng nước và giảm tối đa thất thoát nước từ hệ thống các công trình thủy lợi; giảm tỷ lệ thất thoát trong hoạt động cấp nước xuống 10%.

Tầm nhìn đến năm 2050, nâng chỉ số an ninh tài nguyên nước quốc gia lên nhóm các quốc gia đảm bảo an ninh tài nguyên nước hiệu quả trên thế giới. Hướng tới chủ động về nguồn nước trong mọi tình huống, dự báo, điều tiết nước, phòng ngừa lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trên cơ sở phạm vi, quan điểm, mục tiêu và các định hướng của quy hoạch, dự thảo cũng nêu ra 7 nhóm giải pháp chính để thực hiện quy hoạch, bao gồm: giải pháp về pháp luật, chính sách; tài chính, đầu tư; khoa học công nghệ; hợp tác quốc tế; tuyên truyền nâng cao nhận thức; đào tạo, tăng cường năng lực; tổ chức và giám sát thực hiện quy hoạch.

Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo đã phân tích, đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng nước và nhu cầu sử dụng nước trong kỳ quy hoạch, được tổng hợp từ thông tin, số liệu của khoảng 7.490 hồ chứa (dung tích trên 50.000m3 trở lên); 35.900 công trình khai thác, sử dụng nước khác; dữ liệu vận hành của hơn 130 hồ chứa trong 11 quy trình vận hành liên hồ chứa và khoảng 200 hồ chứa khác được cập nhật thường xuyên, liên tục trên trang web của Bộ; số liệu quan trắc của gần 1.000 điểm quan trắc nước dưới đất.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tính toán cân bằng nước cung - cầu cho 19 lưu vực sông và 6 vùng kinh tế (theo cả năm, mùa lũ, mùa cạn). Trên cơ sở đó, đánh giá tổng quan mức độ thiếu nước, khả năng đáp ứng và mức độ căng thẳng nguồn nước đến các tiểu lưu vực. Quy hoạch đã cơ bản cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra. Định hướng của quy hoạch đã tuân thủ theo quan điểm một cách nhất quán, xuyên suốt, rõ ràng và đầy đủ, bám sát mục tiêu quy hoạch. Các định hướng xác định dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn, đầy đủ và khả thi, bám sát mục tiêu đặt ra.

Theo baotainguyenmoitruong.vn