Đảm bảo an ninh nguồn nước cho đồng bằng sông Hồng

Thứ tư, 5/10/2022 | 08:45 GMT+7
Mới đây, Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam đã phối hợp tổ chức hội thảo khoa học “Các giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước cho đồng bằng sông Hồng” nhằm đề xuất một số giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam cho biết, vấn đề an ninh tài nguyên nước vùng đồng bằng sông Hồng là vấn đề lớn được đặt ra từ nhiều năm nay. Đây là vấn đề liên quan đến an ninh nước, với cách tiếp cận đa ngành.

Là sông lớn thứ hai của Việt Nam, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), sông Hồng tổng cộng có 263 hồ chứa thủy lợi, thủy điện với tổng dung tích 29,4 tỷ m3, trên toàn lưu vực. Lượng nước tưới sử dụng khoảng 6,47 tỷ m3/năm; sinh hoạt và công nghiệp là 7,7 tỷ m3/năm.

Theo Quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050, nhu cầu nước cho vùng đồng bằng Bắc Bộ sẽ thiếu khoảng 2,1 - 8,5 tỷ m3 (tùy theo kịch bản phát triển). Tình trạng thiếu nước tại các vùng chủ yếu tập trung vào mùa khô do điều kiện khí hậu khô hạn có xu hướng tăng; nhu cầu trong tương lai tăng...

Đảm bảo an ninh nguồn nước cho đồng bằng sông Hồng

Theo đó, tại hội thảo, các đại biểu được nghe các chuyên gia, nhà khoa học trình bày một số tham luận về công tác chỉ đạo, điều hành lấy nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ; công tác vận hành hồ chứa của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trên lưu vực sông Hồng trong việc đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Nghiên cứu giải pháp tổng thể công trình đập dâng nước nhằm ứng phó tình trạng hạ thấp mực nước đảm bảo an ninh nguồn nước cho vùng hạ du sông Hồng; giải pháp ứng phó với việc hạ thấp mực nước trên vùng trung du và đồng bằng sông Hồng bằng trạm bơm động lực. Đề xuất giải pháp điều phối dòng chảy trên các hồ chứa sông Hồng phục vụ kinh tế dân sinh và cấp nước trực tiếp từ hồ Hòa Bình cho Thủ đô Hà Nội…

Đại diện Tổng cục Thủy lợi đề xuất, trong giai đoạn 2021 - 2025 cần khẩn trương có kế hoạch cải tạo, xây dựng mới các trạm bơm bổ sung; xây dựng mới các trạm bơm để thay thế các cống tự chảy đảm bảo cho các công trình thích ứng với việc hạ thấp mực nước và không phụ thuộc vào lượng xả tăng cường của các nhà máy thủy điện.

Bên cạnh đó, cần hạn chế và dần chấm dứt tình trạng khai thác cát trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình, bảo đảm việc khai thác cát không là nguyên nhân gây hạ thấp lòng dẫn. Chuyển dịch cơ cấu sản xuất hợp lý từ cây lúa sang các cây trồng khác có nhu cầu dùng nước thấp hơn ở vùng cao, vùng thường xuyên khó khăn về nguồn nước hoặc nuôi trồng thủy sản ở vùng trũng thấp để đảm bảo tiết kiệm nguồn nước.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền định hướng sản xuất nông nghiệp của ngành và địa phương, hướng bà con nông dân thay đổi tập quán canh tác để phù hợp với lịch lấy nước tập trung của cả khu vực, không phát sinh nhu cầu lấy nước thêm ngoài lịch lấy nước đã được xây dựng; nâng cao ý thức cộng đồng trong bảo vệ công trình, bảo vệ nguồn nước theo quy định của pháp luật hiện hành.

Xây dựng và sớm ban hành quy trình điều tiết hồ chứa thủy điện/lấy nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân; trong đó, quy định rõ các bước thực hiện, trách nhiệm, nghĩa vụ của các địa phương và cơ quan có liên quan. Tăng cường sử dụng công nghệ thông tin để chỉ đạo, điều hành quá trình xả/lấy nước.

Về lâu dài, cần thực hiện, theo dõi, dự báo thường xuyên tình trạng hạ thấp lòng dẫn sông Hồng làm cơ sở nghiên cứu và triển khai các giải pháp để chống hạ thấp lòng dẫn, nâng cao mực nước hạ du sông (đập ngầm ổn định đáy sông, đập ngăn sông...); hoàn thiện hệ thống lấy nước chính dọc sông Hồng để chủ động khả năng lấy nước, không phụ thuộc vào lượng xả từ các hồ chứa thủy điện.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã trao đổi, thảo luận về giải pháp tổng thể để đảm bảo an ninh nguồn nước cho đồng bằng sông Hồng. Trong đó tập trung vào 2 nhóm chính là giải pháp công trình và giải pháp phi công trình. Cụ thể như: giải pháp ứng phó với việc hạ thấp mực nước trên vùng trung du và đồng bằng sông Hồng bằng trạm bơm động lực; giải pháp dẫn nước sông Đà từ cống Lương Phú cấp nước tự chảy cho sông Tích, sông Đáy, sông Nhuệ, Hồ Tây và sông Tô Lịch;  giải pháp điều phối dòng chảy trên các hồ chứa sông Hồng phục vụ kinh tế dân sinh và cấp nước trực tiếp từ hồ Hòa Bình cho Thủ đô Hà Nội; giải pháp chống hạn cho đồng bằng sông Hồng…

Thanh Bảo