Khẩn trương hoàn thành, đưa vào vận hành dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2

Thứ tư, 5/5/2021 | 10:23 GMT+7
Ngày 4/5, đoàn công tác Bộ Công Thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm trưởng đoàn có buổi làm việc, kiểm tra tiến độ thi công xây dựng dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

Báo cáo tiến độ dự án, ông Nguyễn Thành Hưởng, Trưởng Ban Quản lý dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2 cho biết, dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 được khởi công từ năm 2011 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là chủ đầu tư với quy mô công suất 2x600MW (2 tổ máy) nằm trong quy hoạch chung của Trung tâm điện lực Thái Bình với tổng công suất là 1.800MW, điện năng sản xuất khoảng 7,2 tỷ kWh/năm, cùng tổng mức đầu tư điều chỉnh 41.799 tỷ đồng.

Đến nay, tiến độ tổng thể của dự án đạt gần 86%. Trong đó, thiết kế khoảng 99,89%; ký các hợp đồng mua sắm khoảng 99,71%; gia công, chế tạo khoảng 94,41%; thi công khoảng 84,150%; tiến độ chạy thử đạt khoảng 12,75%.

Tính đến thời điểm hiện tại, công tác thi công xây dựng, công tác lắp đặt… đã cơ bản hoàn thành; các hệ thống như cung cấp nước ngọt, xử lý nước, sân phân phối 220kV, hệ thống phòng cháy chữa cháy đã được tiến hành chạy thử. Dự án đã giải ngân tương đương 34.004,69 tỷ đồng, đạt 81,35% giá trị tổng mức đầu tư điều chỉnh lần 2. Trong thời gian tới, dự kiến, sẽ phát điện thương mại tổ máy số 1 vào ngày 30/11/2022; tổ máy 2 vào ngày 31/12/2022. 

Đoàn công tác Bộ Công Thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm trưởng đoàn làm việc về dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Hưởng cho rằng, để hoàn thành tiến độ đề ra, dự án hiện đang gặp nhiều khó khăn. “Thách thức lớn nhất hiện nay đó là do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, trong hơn 1 năm qua, các chuyên gia nước ngoài chưa thể sang làm việc tại dự án. Tiếp đến là các khó khăn về quản lý tiến độ, chất lượng thiết bị, chí phí và nguồn lực…”, ông Nguyễn Thành Hưởng chia sẻ.

Chủ tịch HĐTV PVN Hoàng Quốc Vượng cho biết, để hoàn thành tiến độ, dự án phụ thuộc vào 3 yếu tố: nguồn lực, tình hình dịch Covid-19 và tình trạng thiết bị hiện nay. PVN cam kết, sẽ nỗ lực, quyết tâm cao đưa dự án về đích theo kế hoạch đã đề ra. Để làm được điều này, thời gian tới, PVN ưu tiên nguồn lực để triển khai các hạng mục chính của dự án, tối ưu hóa các hạng mục phụ trợ hệ thống cảng dầu, kho than, bãi xỉ, cảnh quan… Về chi phí, PVN sẽ đàm phán chạy thử giảm giá, huy động tối đa nhân lực trong ngành có kinh nghiệm về công tác vận hành, bảo dưỡng, chạy thử thiết bị để tăng cường cho chủ thầu…

Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 với quy mô công suất 1.200 MW, có thể cung cấp khoảng 7,2 tỷ kWh/năm, là nguồn điện quan trọng góp phần đảm bảo an ninh cung cấp điện cho đất nước. Dự án cũng có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình. Khi đi vào hoạt động, mỗi năm nhà máy sẽ đóng góp khoảng 1.000 tỷ đồng cho ngân sách của tỉnh, đồng thời tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Bộ trưởng nhận định, đến nay, các vướng mắc chính của dự án đã cơ bản được giải quyết. “Khối lượng công việc của dự án không còn nhiều. Dự án cần phải được khẩn trương hoàn thành, đưa vào vận hành để đảm bảo cung cấp điện, tránh gây thiệt hại lớn về kinh tế cho đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh và yêu cầu, PVN cần sát sao hơn, kịp thời tháo gỡ những khó khăn phát sinh; chuẩn bị tốt nhân lực, nhiên liệu, thủ tục liên quan để sẵn sàng vận hành phát điện theo kế hoạch.

Bộ trưởng Công Thương cũng đề nghị, PVN phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thành lập tổ công tác liên ngành về dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, trong đó PVN là cơ quan thường trực của tổ công tác, trên cơ sở đó tổ chức lấy ý kiến, tổng hợp nội dung, các vấn đề liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Về thi công xây dựng, lắp đặt, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu, PVN cần sớm thực hiện, hoàn thiện các hạng mục: hệ thống vận chuyển than và đá vôi; kho than; bãi thải xỉ và hệ thống thải tro xỉ để đảm bảo đồng bộ và sớm đưa nhà máy vào vận hành. Đồng thời, PVN cần phối hợp với các đơn vị cung cấp, lắp đặt thiết bị xem xét, đánh giá tình trạng và khả năng vận hành của các thiết bị chính (như lò hơi, tuabin, máy phát…) đồng thời đưa ra các giải pháp khắc phục (nếu có) để đảm bảo thiết bị có thể vận hành theo công suất/hiệu suất thiết kế.

Đoàn công tác kiểm tra tiến độ dự án

Đối với đơn vị tổng thầu PVC, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu, đẩy nhanh tiến độ thi công xây lắp; triển khai hoàn thiện hạ tầng nội khối và hệ thống các công trình, hạng mục phụ trợ phục vụ vận hành phát điện; phối hợp với các đơn vị để đánh giá thực trạng trang thiết bị và đưa ra giải pháp khắc phục nếu bị xuống cấp; tổ chức đàm phán với đối tác cung cấp thiết bị còn thiếu bảo đảm cân đối nguồn lực đầu tư; khẩn trương tổ chức bảo trì, bảo dưỡng, bảo vệ thiết bị, linh kiện điện tử không để xuống cấp.

Đối với những khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của tỉnh Thái Bình, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị, UBND tỉnh tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn cho PVN; quan tâm bảo đảm ổn định an ninh trật tự; trong quá trình đầu tư hạ tầng khu kinh tế Thái Bình phải tạo được sự kết nối giao thông cho dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

Đối với các đơn vị Bộ Công Thương, Bộ trưởng yêu cầu, Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thường xuyên theo dõi, đôn đốc thực hiện dự án; kịp thời báo cáo lãnh đạo Bộ giải quyết các vướng mắc thuộc thẩm quyền, không để ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Tại buổi làm việc, các đại biểu tập trung làm rõ những kết quả thực hiện dự án, khó khăn ảnh hưởng tới tiến độ hoàn thành dự án và đề xuất một số giải pháp tháo gỡ cho PVN tiếp tục thực hiện, phấn đấu để tháng 4/2022 nhà máy sẽ hòa lưới điện quốc gia, tháng 11/2022 vận hành thương mại và hoàn thành toàn bộ dự án vào tháng 12/2022 như kế hoạch đã đề ra.

Hải Long