Nông nghiệp sạch

Khảo sát chất lượng, đẩy mạnh xuất khẩu vải thiều Hải Dương sang Nhật Bản

Thứ sáu, 16/6/2023 | 11:23 GMT+7
Ngày 15/6, Đoàn đại diện Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương cùng các doanh nghiệp Nhật Bản có chuyến công tác đến tỉnh Hải Dương để nghiên cứu thị trường vải thiều Việt, tăng cường việc xuất khẩu quả vải sang Nhật Bản.

Cụ thể, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đến huyện Thanh Hà, thăm và khảo sát vùng trồng vải thiều xuất sang Nhật Bản; tham quan cơ sở chế biến, xuất khẩu vải tươi tại Công ty CP Ameii Việt Nam ở xã Thanh Xá. Sau khi khảo sát, các doanh nhân Nhật Bản tiếp tục làm việc với UBND tỉnh Hải Dương.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Trần Văn Quân cho biết, hiện Hải Dương có khoảng 9.000ha trồng vải và mỗi năm cho sản lượng vải thiều đạt khoảng 60.000 tấn. Vải thiều Thanh Hà đã lọt Top 10 sản phẩm uy tín chất lượng, là một trong những sản phẩm tinh hoa đặc sản ba miền của Việt Nam. Toàn tỉnh hiện có 203 mã số vùng trồng xuất khẩu vải đi các nước, trong đó có Nhật Bản.

Lãnh đạo tỉnh Hải Dương nhấn mạnh, tỉnh luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu vải thiều sang các thị trường cao cấp, trong đó đặc biệt quan tâm tới các doanh nghiệp Nhật Bản và thị trường Nhật Bản. Dịp này, tỉnh mong muốn các doanh nghiệp nước bạn phối hợp chặt chẽ với các công ty trong nước quảng bá, tiêu thụ vải thiều Hải Dương sang thị trường Nhật Bản.

UBND tỉnh Hải Dương làm việc với đoàn doanh nghiệp Nhật Bản đến nghiên cứu thị trường vải thiều

Bên cạnh đó, ông Trần Văn Quân đề nghị các doanh nghiệp Nhật Bản hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam về công nghệ chế biến, bảo quản để quả vải Việt sang Nhật Bản vẫn giữ được chất lượng tốt nhất. Ngược lại, tỉnh Hải Dương sẽ có cơ chế chính sách trong việc hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản chế biến nông sản.

Phát biểu tại buổi khảo sát, dại diện các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá rất cao về chất lượng quả vải thiều Thanh Hà. Qua đây, các doanh nghiệp mong muốn thời gian tới có thể áp dụng kỹ thuật lên men quả vải để chế biến vải thiều tươi thành nhiều sản phẩm khác như nước ép, rượu, hoặc sử dụng sản xuất một số loại mỹ phẩm.

Ngoài ra, với mục đích chế biến sản phẩm sạch từ thiên nhiên và giữ gìn, bảo vệ những cây ăn quả lâu năm, các doanh nghiệp Nhật Bản hy vọng sẽ có nhiều cơ hội phối hợp với tỉnh Hải Dương chế biến ra nhiều sản phẩm đồ ăn, nước uống cao cấp từ quả vải.

Về vấn đề này, đại diện Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cho biết, mặc dù nhu cầu thị trường Nhật Bản với trái vải Hải Dương rất lớn nhưng hiện nay sản lượng vải sang Nhật còn khiêm tốn, chỉ mới chiếm 6% sản lượng vải xuất khẩu của Hải Dương. Vì vậy, Bộ Công Thương mong muốn phối hợp tốt với Hải Dương để tăng tỷ trọng vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Hơn nữa, sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá vải thiều; phối hợp mở rộng sản phẩm được chế biến từ quả vải, không chỉ xuất khẩu vải tươi.

Từ chuyến làm việc lần này, tỉnh Hải Dương tin tưởng mối quan hệ hợp tác giữa tỉnh và các doanh nghiệp có liên quan tới Nhật Bản sẽ phát triển hơn nữa.

Mỹ Dung (T/H)