Nông nghiệp sạch

Thanh Hóa phát triển thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển

Thứ ba, 6/6/2023 | 17:29 GMT+7
Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 1913/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển thủy sản nhanh và bền vững gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đề án nhằm đưa ngành thủy sản của tỉnh Thanh Hóa phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiện đại, bền vững, gắn với chế biến và xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, lưỡng dụng, vừa phục vụ phát triển kinh tế vừa sẵn sàng phục vụ mục tiêu quốc phòng; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo chuỗi hợp lý để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và giá trị đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu; bảo vệ môi trường sinh thái và phục hồi nguồn lợi thủy sản. Từng bước nâng cao đời sống ngư dân, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho ngư dân về chủ quyền biển đảo, trách nhiệm nghĩa vụ tuân thủ pháp luật, điều ước quốc tế, quy định về đảm bảo an ninh, an toàn khi hoạt động trên biển, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển; gắn phát triển thủy sản nhanh và bền vững với nhiệm vụ đảm bảo an ninh, an toàn và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Cụ thể, đề án đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất thủy sản tỉnh Thanh Hóa ước đạt 8.250 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 125 triệu USD. Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 198.500 tấn, trong đó sản lượng khai thác thủy sản 134.500 tấn, sản lượng nuôi trồng thủy sản 64.000 tấn. Đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá đồng bộ, hiện đại, trở thành các công trình lưỡng dụng, vừa phục vụ phát triển kinh tế vừa phục vụ mục đích quốc phòng gắn chặt với nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Đến năm 2030, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm ngành thủy sản bình quân hàng năm giai đoạn 2026 - 2030 là 6%/năm trở lên. Giá trị sản xuất thủy sản ước đạt 11.100 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 145 triệu USD. Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 215.000 tấn, trong đó sản lượng khai thác thủy sản 145.000 tấn, sản lượng nuôi trồng thủy sản 70.000 tấn. Tổng số tàu thuyền khai thác vùng khơi phấn đấu đạt 1.331 chiếc; sản lượng khai thác thủy sản vùng khơi ước đạt 93.000 tấn.

Thanh Hóa phát triển thủy sản bền vững gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển

Tầm nhìn đến 2045, xây dựng ngành thủy sản tỉnh Thanh Hóa trở thành ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu ngành kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển, có đóng góp lớn vào nền kinh tế của tỉnh; có trình độ quản lý, khoa học công nghệ tiên tiến; cơ sở hạ tầng đồng bộ, lưỡng dụng, vừa phục vụ phát triển kinh tế vừa phục vụ quốc phòng; các lực lượng bảo vệ chấp pháp trên biển được xây dựng chính quy, hiện đại đáp ứng yêu cầu tình hình giữ vững độc lập, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Với mục tiêu đó, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các ban, ngành, địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, quản lý điều hành của chính quyền các cấp; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò chủ thể của ngư dân trong phát triển thủy sản và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Thực hiện tốt quy hoạch, kế hoạch; xây dựng và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản nhanh và bền vững; huy động đa dạng các nguồn vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá, ưu tiên các công trình lưỡng dụng, vừa phục vụ phát triển kinh tế vừa phục vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Tổ chức, sản xuất thủy sản theo chuỗi liên kết giá trị: khai thác thủy sản; bảo vệ nguồn lợi thủy sản; nuôi trồng thủy sản; cơ sở dịch vụ hậu cầu nghề cá. Phát triển thủy sản gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, trong đó chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng chấp pháp trên biển, đồng hành cùng ngư dân vươn khơi bám biển bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển; củng cố, phát triển tổ đoàn kết trên biển thành lực lượng huy động tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Tăng cường thực hiện các biện pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), nhất là tiếp tục quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Trung ương và tỉnh về chống khai thác IUU; quản lý khai thác và theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản; nâng cao năng lực, hiệu quả công tác thực thi pháp luật, xử lý các hành vi khai thác IUU.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; chú trọng phát triển chế biến sâu và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo động lực cho ngành thủy sản phát triển nhanh và bền vững. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành thủy sản.

Phương An