Kinh tế xanh

Khuyến nghị phương án vận hành thị trường carbon tại Việt Nam

Thứ tư, 30/10/2024 | 10:46 GMT+7
Ngày 29/10, tại Hà Nội, Văn phòng Dịch vụ dự án Liên Hợp Quốc (UNOPS) phối hợp với Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo khởi động Đánh giá tác động của hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon tại Việt Nam.

Hội thảo là hoạt động hỗ trợ kỹ thuật do UNOPS tài trợ trong khuôn khổ Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) nhằm hỗ trợ Cục Biến đổi khí hậu phát triển thị trường carbon tại Việt Nam. Thông qua quá trình đánh giá, liên danh tư vấn sẽ cung cấp các khuyến nghị về phương án quản lý tối ưu đối với hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon, hướng tới vận hành hiệu quả thị trường carbon tại Việt Nam.

Hội thảo khởi động Đánh giá tác động của hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon tại Việt Nam

Phát biểu tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Nguyễn Tuấn Quang chia sẻ, là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã tích cực tham gia các nỗ lực quốc tế về biến đổi khí hậu và chủ động đưa ra các cam kết lớn trong việc giảm phát thải khí nhà kính. Đặc biệt, tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết sẽ đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Để đạt được cam kết này, một trong những biện pháp quan trọng của Việt Nam là định giá carbon.

Theo ông Nguyễn Tuấn Quang, Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định 06 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone đã đưa ra lộ trình phát triển thị trường carbon của Việt Nam. Trước mắt, tháng 6/2025 sẽ bắt đầu phân bổ hạn ngạch và triển khai thí điểm hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính (ETS). Dự kiến trong giai đoạn thí điểm sắp tới, chỉ có cơ sở phát thải lớn thuộc các lĩnh vực sản xuất sắt, thép, xi măng, nhiệt điện được đưa vào thị trường carbon (khoảng 150 doanh nghiệp). Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức, quản lý hoạt động trao đổi, thu hồi, nộp trả, vay mượn hạn ngạch. Sau đó, Việt Nam sẽ vận hành chính thức thị trường carbon từ năm 2028; dự kiến kết nối thị trường trong nước với thị trường quốc tế, khu vực từ sau năm 2030.

Tại hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế cùng cập nhật về các quy định quản lý thị trường carbon trong nước, giao dịch tín chỉ carbon quốc tế của Việt Nam; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc xác định những phương án quản lý, đánh giá tác động đối với ETS và giao dịch tín chỉ carbon quốc tế. Các đại biểu còn thảo luận, chia sẻ về một số vấn đề xung quanh thiết kế xây dựng hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon, kinh nghiệm quốc tế và những vấn đề cần lưu ý, những đề xuất dựa trên bối cảnh của Việt Nam.

TS. Robert Ritz, Đại học Cambridge nhấn mạnh, việc định giá carbon có khả năng giảm phát thải một cách nhanh chóng, hiệu quả về chi phí. Ví dụ như tại Anh, việc áp dụng thuế carbon trong ngành điện đã giúp giảm 26% lượng CO2 liên quan đến sản xuất điện chỉ trong 3 năm. 

Thông tin về những điểm chính cần lưu ý khi xác định phương án quản lý giao dịch tín chỉ carbon quốc tế, ông Frederic Ggnon – Lebrun, chuyên gia tư vấn từ South Pole cho biết, Chính phủ cần cân nhắc mức độ chắc chắn đạt được mục tiêu giảm phát thải theo Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC), mức độ thu hút đầu tư quốc tế và vai trò của các khoản thu cho việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong nước. Ngoài ra cần đơn giản hóa quy tắc, yêu cầu để thuận tiện cho công tác quản lý và giúp các bên tham gia thị trường carbon dễ dàng thiết lập mô hình tài chính.

Theo ông John Robert Cotton, Quản lý Chương trình cấp cao ETP, hỗ trợ kỹ thuật sẽ cung cấp tư vấn chuyên môn sâu từ các chuyên gia cả trong nước và quốc tế, các khuyến nghị dựa trên bằng chứng rõ ràng để giúp nhà hoạch định chính sách đưa ra thiết kế phù hợp với thị trường Việt Nam, hài hòa với quy định pháp luật hiện hành, từ đó góp phần đẩy mạnh nỗ lực giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu của Việt Nam.

Khả Như (T/H)