Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, việc triển khai các chương trình kích cầu du lịch thu hút khách, tạo ra các giá trị độc đáo, mới mẻ, tăng trải nghiệm để giới thiệu đến du khách sẽ tạo động lực để thúc đẩy ngành du lịch tỉnh có thể sớm khởi sắc trở lại, lan tỏa đến sự phát triển của các ngành kinh tế khác. Trong 4 tháng đầu năm 2022, Bình Thuận đón và phục vụ hơn 1,4 triệu lượt khách du lịch với doanh thu hơn 2.700 tỷ đồng.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị tỉnh Bình Thuận cần phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về giá trị tài nguyên du lịch; đẩy mạnh hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối, liên kết giữa các địa phương, liên kết vùng trong phát triển du lịch.
Tỉnh Bình Thuận cần xác định và tập trung phát triển một số sản phẩm du lịch nổi trội, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh như du lịch MICE, du lịch gắn với thể thao biển, du lịch chăm sóc sức khỏe...
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bình Thuận cũng cần cơ cấu lại thị trường khách du lịch sau đại dịch Covid-19, nhất là các thị trường khách du lịch quốc tế; đa dạng thị trường, không quá phụ thuộc vào một thị trường cố định trong tình hình thế giới có nhiều biến động như hiện nay.
Ông Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại Lễ phát động chương trình Kích cầu du lịch Bình Thuận hè 2022
Chương trình Kích cầu du lịch Bình Thuận hè 2022 nhằm đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá du lịch Bình Thuận là một điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn, chất lượng, sẵn sàng chào đón du khách trong nước và quốc tế. Chương trình thu hút sự tham gia, đồng hành của nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ với nhiều gói sản phẩm hấp dẫn, độc đáo với giá ưu đãi.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Minh cho biết, để nâng cao hiệu quả chương trình, UBND tỉnh đã yêu cầu các Sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương tích cực xây dựng môi trường du lịch với tiêu chí “an toàn, sạch sẽ, thân thiện và bản sắc”, tạo dựng một hình ảnh điểm đến du lịch ấn tượng đối với du khách.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các doanh nghiệp địa phương tăng cường liên kết lẫn nhau tạo giá trị các chuỗi sản phẩm, dịch vụ cung ứng phong phú, hấp dẫn.
Đẩy mạnh liên kết giữa các địa phương trong tỉnh Bình Thuận và liên kết giữa các tỉnh trong khu vực nhằm hình thành các tuyến du lịch, đa dạng hóa các loại hình du lịch phục vụ du khách. Phát huy có hiệu quả các giá trị tài nguyên điểm đến, cảnh quan thiên nhiên, khí hậu, di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội, ẩm thực địa phương.
Dịp này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận phối hợp Viettel Bình Thuận công bố Sàn thương mại du lịch trực tuyến Bình Thuận nhằm giúp các doanh nghiệp du lịch kết nối với các đối tác, các thị trường tiềm năng trong và ngoài nước tạo ra một môi trường kinh doanh giao dịch nhanh chóng, tiện ích, hiệu quả, góp phần quảng bá hình ảnh và thúc đẩy hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch phát triển.
Trên nền tảng của Sàn thương mại du lịch Bình Thuận còn có thể tổ chức hội chợ du lịch trực tuyến để doanh nghiệp du lịch, đơn vị, địa phương tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm đăng tải thông tin, hình ảnh, video giới thiệu, quảng bá, gặp gỡ, kết nối, giao thương trực tuyến.