Quy hoạch, xây dựng

Lập quy hoạch phải bám sát , tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo

Thứ năm, 19/8/2021 | 18:23 GMT+7
NLSVN - Hôm nay (19/8), Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quy hoạch, Thủ tướng yêu cầu, quy hoạch phải đi trước một bước, bám sát tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh từng ngành, địa phương, coi đây nhiệm vụ chính trị quan trọng, xuyên suốt trong năm 2021 các năm tới.

Sau khi Quốc hội ban hành Luật Quy hoạch năm 2017, Chính phủ đã ban hành các nghị quyết, các chỉ đạo triển khai nhưng việc tổ chức thực hiện chưa đạt tiến độ như mong muốn. Do đó, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để bàn giải pháp tiếp tục triển khai Luật Quy hoạch hiệu quả, thực chất và đúng tiến độ. 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tóm tắt về tình hình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch. Ảnh: Nhật Bắc.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tóm tắt về tình hình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, các giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả, chất lượng lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050.

Theo đó, Luật Quy hoạch và các văn bản hướng dẫn về triển khai lập quy hoạch cho thời kỳ 2021-2030 đã được các cấp có thẩm quyền ban hành cơ bản đầy đủ và đồng bộ để các bộ, ngành và địa phương triển khai công tác quy hoạch.

Việc tổ chức lập các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã đạt kết quả bước đầu. Dự kiến trong năm 2021, sẽ có 19/38 quy hoạch ngành quốc gia, 1/6 quy hoạch vùng, 26/63 quy hoạch tỉnh hoàn thành công tác lập, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, các quy hoạch còn lại sẽ được hoàn thiện và trình thẩm định trong năm 2022.

Trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quy hoạch. Theo đó, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong việc triển khai lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030. Khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan đến quy hoạch cho phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch. 

Các đại biểu cũng đưa ý kiến về những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, chậm trễ trong việc lập quy hoạch, phân tích kỹ nguyên nhân của các hạn chế, vướng mắc, chậm trễ, đề xuất cách khắc phục, kiến nghị các giải pháp để bảo đảm tiến độ, chất lượng lập quy hoạch.

Tuy nhiên, tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 chưa đạt được yêu cầu đã đề ra tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05/02/2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch. Việc triển khai lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp với nội dung cơ bản là lập thống nhất một quy hoạch trên một địa bàn tỉnh (thay thế cho khoảng 50 loại quy hoạch ngành, lĩnh vực trước đây), tiếp cận tổng hợp và phối hợp đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực còn có cách hiểu khác nhau, dẫn đến triển khai chậm và lúng túng.

Hiện nay, có 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch. 02 địa phương chưa trình nhiệm vụ lập quy hoạch là TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Sau khi được phê duyệt, các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành thời kỳ 2021-2030 sẽ thay thế cho 19.285 quy hoạch các loại phải lập cho thời kỳ trước Luật Quy hoạch được ban hành.

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tế, góp ý, bổ sung cho dự thảo Nghị quyết của Chính phủ. Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ ngành tiếp thu các ý kiến của địa phương, các địa phương cũng tiếp thu ý kiến của các bộ ngành để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn trong thời gian tới.

Theo Thủ tướng, làm gì cũng phải có quy hoạch, quy hoạch phải đi trước một bước, quy hoạch phải tổng thể, toàn diện, bao quát, có tính định hướng. Quy hoạch phải bám sát tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của bộ, ngành, địa phương thì rất khó phát triển bền vững, chuyển phát triển theo chiều rộng sang theo chiều sâu. 

Có quy hoạch tốt thì mới có đề án, dự án tốt, Có đề án, dự án tốt thì mới có nhà đầu tư tốt và sử dụng hiệu quả đầu tư công, phát triển  kinh tế - xã hội, trên tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội, bảo đảm hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu, lập quy hoạch trên tinh thần là phải xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Ảnh: Nhật Bắc.

Thủ tướng yêu cầu các quy hoạch phải bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, Luật Quy hoạch, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong quá trình thực hiện, phát sinh vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó phải giải quyết, với các vấn đề vượt thẩm quyền thì tổng hợp, báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. 

Lập quy hoạch trên tinh thần là phải xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Quốc hội luôn phối hợp chặt chẽ, sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ và các bộ ngành để triển khai mọi nhiệm vụ, nhất là trong xây dựng và hoàn thiện thể chế.

Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị, hoàn thiện thể chế cho công tác này theo tinh thần phân cấp, phân quyền triệt để. Các cơ quan quản lý ở Trung ương tập trung xây dựng chiến lược, quy hoạch, cơ chế, chính sách, thể chế và thiết kế công cụ để tăng cường giám sát kiểm tra, kiểm soát quyền lực, giảm tối đa thủ tục hành chính, các bộ ngành, địa phương phát huy tính chủ động, sáng tạo.Lựa chọn tư vấn thực sự chất lượng, vừa trao đổi, vừa hỗ trợ, vừa học tập đơn vị tư vấn nhưng “chúng ta vẫn là quyết định, để mặc cho tư vấn thì quy hoạch không có chất lượng”.

Liên quan tới một số vướng mắc tại các nghị định, Thủ tướng giao các bộ ngành tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị, xin lại ý kiến các địa phương, trình Chính phủ sửa đổi các nghị định phù hợp tình hình để nâng cao chất lượng các quy định, đơn giản thủ tục, tiết kiệm thời gian, hoàn thành chậm nhất trong tháng 10/2021. 

Giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết để tháo gỡ kịp thời vướng mắc, khó khăn và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch.
 

Đoàn Vĩnh