Trong nước

Mỗi năm có khoảng 1 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu ở Việt Nam

Thứ năm, 19/12/2019 | 15:24 GMT+7
Theo Báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam được công bố mới đây, Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới, với đóng góp của tiêu dùng tư nhân do tầng lớp trung lưu chiếm khoảng 10% dân số.

Năm 2019 là một năm tương đối thuận lợi đối với nền kinh tế Việt Nam. Theo ước tính mới nhất tại báo cáo Viễn cảnh kinh tế toàn cầu của Ngân hàng Thế giới, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,8%, cao gần gấp 3 lần so với thế giới (2,6%); cao hơn 1,2 điểm phần trăm so với bình quân ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.

Kết quả tăng trưởng trên là nhờ sức cầu trong nước của các doanh nghiệp, hộ gia đình gia tăng. Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu với mức sống trên 15$/ngày đã tăng thêm khoảng 1 triệu người mỗi năm. Với nhu cầu sử dụng hàng nhập khẩu, tầng lớp này cũng đẩy kim ngạch nhập khẩu hàng tiêu dùng lên khoảng 15% mỗi năm, nhất là kim ngạch nhập khẩu xe ô tô đã tăng 2,7 lần từ năm 2018 đến năm 2019.

Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam đã tiếp tục tạo ra việc làm mới, giúp tăng lương cho người lao động. Cụ thể, thu nhập khả dụng thực của hộ gia đình đang hưởng lợi do lạm phát thấp, khu vực làm công ăn lương đang phát triển, lương theo mức hiện hành tăng mạnh ở mức 13,1% trong 9 tháng đầu năm 2019. Lực lượng lao động dần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang các ngành công nghiệp và dịch vụ, từ các ngành có năng suất thấp sang những ngành có năng suất cao hơn, tạo ra sự suy giảm tỷ lệ hộ nghèo (dưới 2%).

Vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) ước tính lên đến 29 tỷ USD trong 10 tháng năm 2019 đã giúp nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đứng vững trong bối cảnh bất ổn của kinh tế toàn cầu. Tính đến cuối tháng 10/2019, trong thập kỷ qua, Việt Nam đã tiếp nhận vốn đầu tư của hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng số vốn FDI lên đến 358 tỷ USD cho nhiều ngành, bao gồm chế tạo, chế biến, bất động sản, điện và khí đốt. Hiện nay, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đóng góp khoảng 20% GDP của Việt Nam, tạo ra hàng triệu việc làm trong nước.

Trong 3 năm tới, nền kinh tế Việt Nam vẫn được dự đoán sẽ giữ vững đà tăng trưởng ở mức khoảng 6,5%. (Ảnh minh họa)

Thực tế cho thấy, hầu hết các nền kinh tế thu nhập cao trên thế giới sẽ có tỷ lệ tín dụng trên GDP cao. Trong 25 năm qua, Việt Nam có mức tín dụng ngân hàng tăng vọt từ 17% GDP vào năm 1996 lên trên 130% GDP vào năm 2018. Mức tăng đột biến này đã giúp Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ lệ tín dụng trên GDP ở mức cao nhất trong số các quốc gia có thu nhập trung bình ở ngưỡng thấp.

Mặc dù Việt Nam có thứ hạng cao trong nhóm các quốc gia có cùng mức thu nhập theo đầu người, nhưng thực tế vẫn chưa đạt được nhiều tiến triển, thậm chí còn được dự đoán sẽ tụt 1 bậc trong năm 2020. Sự chậm tiến về thứ hạng được cho là kết quả của quá trình cải cách môi trường kinh doanh đang chững lại. Các vấn đề về thủ tục hành chính, vốn dầu tư, cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trình độ người lao động trở thành trở ngại hàng đầu cho phát triển nền kinh tế.

Báo cáo đề xuất  Chính phủ nên đẩy nhanh các kế hoạch dài hạn, đặc biệt đối với khu vực tư nhân trong nước. Điều này một phần đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng trong vài năm qua, đồng thời cân đối mô hình tăng trưởng hiện nay chủ yếu đang dựa vào nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
 

Ngân Hoa