Năng lượng gió

Ngành công nghiệp điện gió có nhu cầu lớn về lao động được đào tạo

Thứ ba, 1/6/2021 | 16:18 GMT+7
Ngành công nghiệp điện gió toàn cầu sẽ cần đào tạo thêm 480.000 người theo tiêu chuẩn của Tổ chức Điện gió toàn cầu (GWO) trong vòng 5 năm tới để đáp ứng nhu cầu về tiêu chuẩn sức khỏe và an toàn lao động từ thị trường.

Báo cáo mới Nhận định lực lượng lao động điện gió toàn cầu 2021 – 2025 vừa được công bố bởi Hội đồng Điện gió toàn cầu (GWEC) và Tổ chức Điện gió toàn cầu (GWO) hợp tác với Nhóm Tư vấn năng lượng tái tạo (RCG) cho thấy, ngành công nghiệp điện gió toàn cầu sẽ cần đào tạo thêm 480.000 người theo tiêu chuẩn của GWO trong vòng 5 năm tới để đáp ứng nhu cầu về tiêu chuẩn sức khỏe và an toàn lao động từ thị trường điện gió toàn cầu.

Những công nhân này sẽ cần được đào tạo để xây dựng, lắp đặt, vận hành và bảo trì hệ thống nhà máy điện gió trên đất liền và ngoài khơi đang ngày một phát triển trên thế giới và đây chỉ là một phần nhỏ trong vô số cơ hội việc làm trong ngành công nghiệp đang phát triển này.

Hiện tại, thị trường đào tạo theo tiêu chuẩn GWO - được coi là tiêu chuẩn toàn cầu trong lĩnh vực đào tạo lực lượng lao động ngành điện gió có khả năng đáp ứng nhu cầu đào tạo của 150.000 lao động vào cuối năm 2021 và 200.000 lao động vào cuối năm 2022. Nhưng phân tích trong báo cáo Nhận định lực lượng lao động điện gió toàn cầu 2021 - 2025 cho thấy rằng, chúng ta sẽ cần đào tạo thêm ít nhất 280.000 công nhân để triển khai lắp đặt, vận hành các dự án điện gió với công suất 490 GW trong vòng 5 năm tới.

Trong số 480.000 công nhân được đào tạo theo tiêu chuẩn GWO trên thế giới, 308.000 người sẽ được huy động để triển khai xây dựng và bảo trì các dự án điện gió trên đất liền và 172.000 người được huy động cho cho các dự án điện gió ngoài khơi.

Hơn 70% nhu cầu đào tạo lực lượng lao động mới trên toàn cầu sẽ đến từ 10 thị trường được phân tích trong báo cáo bao gồm: Brazil, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Mexico, Maroc, Ả Rập Saudi, Nam Phi, Mỹ và Việt Nam. Các thị trường được phân tích, lựa chọn trong báo cáo vì sự đa dạng trong khu vực cũng như vì các nước này có thị trường điện gió trên đất liền lớn nhất trên toàn cầu, có thị trường điện gió đất liền và ngoài khơi tăng trưởng cao, đồng thời cũng là các thị trường điện gió mới nổi.

Gần 500.000 công nhân cần được đào tạo để đáp ứng an toàn yêu cầu mở rộng ngành công nghiệp điện gió trong 5 năm tới

Ben Backwell, Giám đốc điều hành GWEC cho biết: “Ngành công nghiệp điện gió cần phải mở rộng quy mô với tốc độ chưa từng có trong thập kỷ tới để đưa thế giới đạt được mục tiêu không phát thải. Nếu tham vọng đạt đến mức cần có - gấp 3 hoặc 4 lần dự báo thị trường hiện tại thì yêu cầu đào tạo lực lượng lao động sẽ cao hơn nhiều so với những gì được công bố trong báo cáo này. 

Để đối mặt với thách thức này, chúng ta cần chuẩn bị lực lượng lao động cho tương lai ngay từ bây giờ và điều này có nghĩa là ta cần đào tạo hàng trăm nghìn công nhân trên khắp thế giới để họ trở thành một phần của một trong những ngành phát triển nhanh nhất. Nhưng chúng ta cần đảm bảo lực lượng lao động này được đào tạo theo các tiêu chuẩn toàn cầu cao nhất để đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của tất cả mọi người”.

Ed Maxwell, Giám đốc của Nhóm Tham vấn năng lượng tái tạo thì nhận định: “Đối với các thị trường điện gió vốn đã lớn như Mỹ và Trung Quốc, việc mở rộng đào tạo có thể mang lại nhiều cơ hội việc làm mới, tăng năng suất lao động nhờ có tiêu chuẩn GWO. Các nền kinh tế mới nổi sẽ cần phát triển mạng lưới đào tạo kỹ thuật và an toàn ngay từ đầu, đảm bảo sự thống nhất với các hệ thống an toàn toàn cầu nhằm củng cố tính phát triển bền vững lâu dài của ngành.

Nhìn chung, hệ thống đào tạo và giáo dục công nghiệp ở các quốc gia trên thế giới cũng như trong các tổ chức cần tận dụng những tiềm năng chưa được khai thác để bổ sung năng lực đào tạo cần thiết nhằm phát triển các chương trình theo tiêu chuẩn GWO ngay bây giờ để đáp ứng nhu cầu này trong tương lai”.

Cẩm Hạnh