Văn hóa, du lịch

Ngành du lịch nỗ lực vượt khó

Thứ năm, 3/6/2021 | 12:22 GMT+7
Ngành du lịch hiện có nhiều giải pháp, kế hoạch ứng phó với khó khăn để vực dậy và phát triển trong thời kỳ dịch Covid-19 diễn biến khó lường.

Xã hội hóa vaccine là một giải pháp cấp bách để đẩy sớm miễn dịch cộng đồng, giúp ổn định tình hình. Ngành du lịch lên kế hoạch tham gia chương trình xã hội hóa vaccine. Theo đó, mới đây Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã kêu gọi các doanh nghiệp tích cực đóng góp vào Quỹ vaccine của Chính phủ và đăng ký tiêm phòng vaccine của doanh nghiệp theo hình thức xã hội hóa.

Tình hình dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nặng nề tới ngành du lịch. Trong bối cảnh đó, ngành du lịch Việt Nam đã có nhiều giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động. Cụ thể, ngoài các chính sách về thuế, phí, tiền điện như những đề xuất trước đây, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã từng đề xuất tạm thời cho doanh nghiệp được chuyển đổi từ giấy phép lữ hành quốc tế sang nội địa. Căn cứ vào đó, chuyển mức ký quỹ của doanh nghiệp lữ hành quốc tế từ 500 triệu đồng xuống 100 triệu đồng. Quy định này được cho là phù hợp với thực tế vì từ năm 2020 các doanh nghiệp lữ hành đã chỉ đón khách nội địa. 

Doanh nghiệp du lịch phấn đấu vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo vấn đề sức khỏe cho khách du lịch thời kỳ dịch bệnh

Bên cạnh việc bị động ứng phó với dịch bệnh, đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã chủ động tham gia vào công tác xã hội hóa vaccine, miễn dịch cộng đồng để sớm khôi phục ngành du lịch.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: “Thực hiện chủ trương xã hội hóa chương trình vaccine trong ngành du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã xin ý kiến các Hiệp hội du lịch địa phương, Hiệp hội du lịch chuyên ngành, các doanh nghiệp hội viên và nhận được sự ủng hộ cao. Trên cơ sở này, Hiệp hội sẽ báo cáo Chính phủ và làm việc với Bộ Y tế đề nghị cho phép hệ thống doanh nghiệp du lịch được đóng góp kinh phí để tiêm phòng vaccine cho các cán bộ, nhân viên trong đơn vị du lịch”. Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng mong Chính phủ tạo điều kiện vận động các kênh đối tác, tổ chức quốc tế, nhãn hàng cùng phối hợp hành động để mang nguồn vaccine về Việt Nam trên cơ chế doanh nghiệp cùng tham gia đóng góp.

Được biết trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cũng đã gửi văn bản tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc bổ sung những giải pháp cấp bách hỗ trợ bổ sung cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid- 19.

Trên cơ sở lấy ý kiến của các địa phương, doanh nghiệp, Bộ VHTT&DL tiếp tục đề xuất bổ sung một số chính sách hỗ trợ ngành du lịch trong thời gian tới. Trong đó, đề xuất cho phép doanh nghiệp lữ hành được giảm 80% số tiền ký quỹ của doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 168/2017/NĐ-CP trong thời hạn 2 năm để giúp tạo dòng tiền vào doanh nghiệp, hỗ trợ khó khăn, giúp doanh nghiệp duy trì, cầm cự và có nguồn tiền làm vốn lưu động, sản xuất. Điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất trong năm 2021 và những năm tiếp theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đề xuất Chính phủ xem xét kéo dài chính sách giảm tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trong năm 2021; tiếp tục kéo dài chính sách về giảm phí cấp phép kinh doanh lữ hành và thẻ hướng dẫn viên. Đề xuất Chính phủ và và các địa phương có các gói kinh phí hỗ trợ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng lao động trong ngành du lịch là các doanh nghiệp, nhân viên lữ hành, lưu trú, hướng dẫn viên giai đoạn hậu Covid-19.

Linh Giang