Ngày quốc tế Không khí sạch cho bầu trời xanh năm nay có chủ đề “Không khí trong lành, hành tinh khỏe mạnh” (Healthy Air, Healthy Planet) để cùng nhìn lại tình trạng ô nhiễm không khí và bụi mịn; ghi nhận tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy cải thiện chất lượng không khí và đưa ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Ô nhiễm không khí chính là mối đe dọa lớn nhất về môi trường đối với sức khỏe con người và cũng là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong, bệnh tật trên toàn cầu mà có thể phòng tránh được.
Ở Việt Nam, theo bản đồ ô nhiễm không khí do bụi PM2.5 tại Thủ đô Hà Nội, mức ô nhiễm tại các quận huyện và mức độ ô nhiễm biến động theo thời gian. Trong năm 2019, nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm của các quận, huyện và thị xã nằm trong khoảng 28,2 đến 40,2 µg/m³, vượt mức quy chuẩn quốc gia (25 µg/m³), trong đó các quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng có nồng độ PM2.5 cao nhất. Năm 2020, mặc dù đã có sự cải thiện nhưng nồng độ bụi trung bình năm ở đa số các quận/ huyện vẫn vượt mức quy chuẩn.
Trên toàn lãnh thổ Việt Nam, khu vực có ô nhiễm không khí do bụi mịn PM2.5 cao nhất không chỉ tại Hà Nội mà còn ở các tỉnh thành lân cận như Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định.
Ngày quốc tế Không khí sạch cho bầu trời xanh
Nhiều nghiên cứu trong nước và quốc tế đã chỉ ra tác động của ô nhiễm không khí từ bụi PM2.5 ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam. Báo cáo về gánh nặng bệnh tật toàn cầu cho thấy, ô nhiễm không khí ở Việt Nam là một trong năm yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm, chỉ xếp sau cao huyết áp, hút thuốc, đái tháo đường và nguy cơ liên quan đến yếu tố dinh dưỡng.
Các nghiên cứu trên thế giới ban đầu chỉ ra rằng, người dân sinh sống ở các khu vực ô nhiễm không khí có xu hướng mắc và tử vong do Covid-19 cao hơn. Việc tiếp xúc lâu dài với ô nhiễm không khí có thể làm suy giảm hệ thống miễn dịch, dẫn đến tăng tính nhạy cảm với virus và gây nhiễm virus nghiêm trọng hơn. Do đó, giảm thiểu ô nhiễm không khí cũng là một cách giảm gánh nặng bệnh tật của đại dịch Covid-19.
Nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí là hoạt động công nghiệp, giao thông, đốt rơm rạ, đun nấu (dân sinh và thương mại), đốt rác thải và bụi đường. Trong đó, ô nhiễm không khí do bụi PM2.5 tại Hà Nội bị ảnh hưởng lớn từ nguồn bên ngoài, cụ thể chỉ có 1/3 lượng bụi mịn PM2,5 sinh ra trực tiếp từ các nguồn thải tại địa bàn thành phố, 2/3 lượng bụi còn lại đến từ các tỉnh lân cận, khu vực đồng bằng sông Hồng, lan truyền từ xa và các nguồn tự nhiên.
Để cải thiện chất lượng không khí, đòi hỏi sự chung tay của nhiều cấp (Trung ương và địa phương), nhiều lĩnh vực (môi trường - sức khỏe - các ngành nghề sản xuất) và nhiều bên tham gia (nhà nước - doanh nghiệp - cộng đồng và các tổ chức xã hội).
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh truyền thông về giáo dục, khoa học công dân với bảo vệ môi trường cần được lan tỏa mạnh mẽ đến nhiều người dân trong cộng đồng hơn nữa. Việc tổ chức Ngày quốc tế Không khí sạch cho bầu trời xanh sẽ là dịp để mọi người cùng nhìn lại và có nhận thức đúng đắn hơn, từ đó cùng đưa ra những giải pháp khắc phục ô nhiễm không khí, cải thiện bầu không khí chung.