Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Ngọc Tú, Phó Giám đốc Petrolimex cho biết: Chuyển dịch năng lượng là xu thế góp phần định hình tương lai xanh. Quá trình chuyển dịch từ các dạng năng lượng truyền thống sang các dạng năng lượng xanh, sạch như sinh khối, năng lượng tái tạo: điện gió, điện mặt trời, hydrogen xanh, amoniac xanh, nhiên liệu bay bền vững, nhiên liệu tổng hợp đã được thúc đẩy từ rất sớm và đang tăng tốc đáng kể trong những thập niên vừa qua nhằm thực hiện các cam kết chống biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh năng lượng tại các quốc gia. Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để thực hiện mục tiêu đầy tham vọng này, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chính sách về năng lượng. Trong đó, tập trung chuyển dịch sang các nguồn năng lượng tái tạo, nhiên liệu sinh học, nhiên liệu tổng hợp và nghiên cứu các công nghệ mới.
Nhận thức rõ chủ trương chuyển đổi các nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng xanh, sạch, thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược, những năm vừa qua, Petrolimex đã tích cực tham gia nghiên cứu thị trường, nghiên cứu tiềm năng, cơ hội tham gia đầu tư vào các loại hình năng lượng mới như các báo cáo nghiên cứu tổng quan thị trường phát triển nhiên liệu hydrogen của Petrolimex đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; báo cáo đánh giá cơ hội phát triển thị trường trạm sạc điện của Petrolimex; thu thập dữ liệu và đánh giá tính khả thi dự án phát triển điện mặt trời áp mái tại các hệ thống cửa hàng xăng dầu, văn phòng công ty, kho xăng dầu trên phạm vi cả nước; nghiên cứu các dự án thí điểm trạm tiếp nhiên liệu hydrogen tại các cửa hàng xăng dầu của Petrolimex cung cấp hydrogen cho hệ thống sử dụng hydrogen tại Hà Nội và nghiên cứu các dự án sản xuất, nghiên cứu thị trường liên quan đến nhiên liệu bay bền vững SAF.
Petrolimex Aviation - tiên phong cung cấp nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) tại Việt Nam. (Ảnh: Petrolimex)
Theo ông Nguyễn Ngọc Tú, trong giai đoạn năm 2023 – 2024, Petrolimex tích cực tham gia các nhóm công tác tham gia triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) do Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công Thương chủ trì. Các dự án đề xuất về chuyển dịch năng lượng của Tập đoàn như dự án phát triển trạm sạc tại các cửa hàng xăng dầu, dự án thí điểm trạm tiếp nhiên liệu hydrogen, dự án điện mặt trời áp mái, dự án sản xuất nhiên liệu bay bền vững… đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường bổ sung vào danh mục các dự án để thực hiện JETP.
Tại hội thảo, TS Huge Sykes (RCEE-NIRAS) chia sẻ về chiến lược chuyển dịch năng lượng tại các tập đoàn quốc tế; TS Hoàng Anh (Đại học Bách Khoa, trường Điện – Điện tử) thông tin về “Giải pháp BESS tích hợp với hệ thống trạm sạc, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo”.
Về nghiên cứu và đánh giá tiềm năng phát triển công nghệ BESS+PV+EV tại các cơ sở hạ tầng trên cơ sở đánh giá hiện trạng cơ sở hạ tầng thuộc Petrolimex quản lý và nhu cầu đàn hồi đối với xe điện, TS Hoàng Anh cho biết, cần đề xuất phương pháp xác định nhu cầu sạc xe điện dưa trên các tập số liệu vận hành của tại các khu vực lắp đặt tiềm năng. Rà soát khung pháp lý và chính sách hiện tại hỗ trợ việc áp dụng BESS trong các cơ sở hạ tầng năng lượng. Nhận diện các thách thức khi triển khai BESS làm cơ sở xây dựng lộ trình ứng dụng BESS tại Petrolimex. Đề xuất các giải pháp thực hiện lộ trình…
Trình bày tham luận về nhiên liệu bay bền vững SAF, TS Nguyễn Hữu Lương (Viện dầu khí Việt Nam) cho biết, Việt Nam có tiềm năng phát triển nhiên liệu bay bền vững SAF để góp phần thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và các chính sách ban hành từ sau Hội nghị COP26; thực hiện lộ trình sử dụng SAF theo Quyết định 876/QĐ-TTg về Chương trinh hành động xanh hóa lĩnh vực giao thông vận tải. Bên cạnh đó, chúng ta có nguồn nguyên liệu để sản xuất SAF: UCO, mỡ cá, sinh khối…; các nguồn năng lượng tái tạo: gió và mặt trời.
Tuy nhiên, chúng ta cũng đối mặt với một số rào cản như: chưa có quy hoạch về nguyên liệu để sản xuất SAF, thiếu cơ chế khuyến khích phát triển SAF, chưa có các quy định và tiêu chuẩn về kỹ thuật, an toàn và môi trường cho SAF, công nghệ sản xuất SAF chưa trưởng thành hoàn toàn, chi phí sản xuất SAF còn cao.
TS Nguyễn Hữu Lương cũng khuyến nghị lộ trình phát triển SAF cho Petrolimex như: năm 2025, đưa định hướng phát triển SAF vào chiến lược phát triển Petrolimex; xác định và theo dõi các chỉ dấu tác động đến thị trường SAF trong nước; phân phối thí điểm SAF; lựa chọn đối tác chiến lược và xây dựng chuỗi cung ứng SAF.
Đến năm 2030: mở rộng chuỗi cung ứng SAF; sản xuất thử nghiệm SAF ~ 10-20 KTA. Đến năm 2035, đa dạng nguồn cung nguyên liệu trong nước thông qua thu gom trực tiếp và gián tiếp; sản xuất và phân phối SAF ~ 100 KTA ~ 50% nhu cầu SAF tại Việt Nam; tích hợp vào hoạt động của Petrolimex (đảm bảo nguyên liệu và phân phối sản phẩm). Đến năm 2050, cung nguyên liệu trong nước và nhập khẩu; sản xuất SAF ~ 1 MTA >50% nhu cầu SAF tại Việt Nam; hướng đến cung cấp >50% nhu cầu SAF tại Việt Nam và xuất khẩu.