Văn hóa, du lịch

Phấn đấu đưa Hà Nội trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước

Chủ nhật, 11/7/2021 | 18:35 GMT+7
Mới đây, tại tọa đàm "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - Thực trạng và giải pháp", Thành ủy Hà Nội đã khẳng định mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP Thủ đô, đưa Hà Nội trở thành 1 trong 3 trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước.

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, Hà Nội có tiềm năng thế mạnh về văn hóa mà không địa phương nào có được. Trong quá trình vận động, phát triển, Hà Nội cũng luôn xác định mục tiêu bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống, xây dựng văn hóa và con người Hà Nội, được lựa chọn là chương trình công tác riêng liên tiếp trong nhiều nhiệm kỳ.

Trong nhiệm kỳ này, Đảng bộ thành phố Hà Nội quyết định lựa chọn xây dựng Nghị quyết chuyên đề "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" làm bước đột phá trong phát triển văn hóa Thủ đô với tầm nhìn rộng mở, bắt kịp xu thế thời đại; không ngừng phát triển, nâng cao chất lượng văn hóa, bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển văn hóa, cải thiện đời sống tinh thần nhân dân.

Theo đó, Phó Bí thư Thành ủy yêu cầu các Sở, ngành, quận, huyện, thị xã xác định Nghị quyết trên là căn cứ gợi mở để chủ động các dự kiến, xây dựng sớm những định hướng, dự án, đề án, trong đó tập trung rà soát ngay các quy hoạch tổng thể về văn hóa trên địa bàn; quan tâm bố trí đầu tư công cho các dự án trong lĩnh vực văn hóa bởi một trong những yếu tố đánh giá chất lượng cuộc sống của người dân hiện nay chính là hạ tầng xã hội và đời sống văn hóa...

Nâng cao chất lượng văn hóa, bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển văn hóa Thủ đô

"Đề nghị Ban Cán sự đảng UBND thành phố sớm chỉ đạo các Sở, ngành nghiên cứu các giải pháp về cơ chế, chính sách, ví dụ như cơ chế tự chủ cho các đoàn nghệ thuật, đầu tư cơ sở vật chất, giải phóng sự sáng tạo của các văn nghệ sĩ trong khuôn khổ pháp luật, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng các không gian sáng tạo...", ông Nguyễn Văn Phong nói.

Hiện đã có 40 ý kiến trực tiếp và gửi bằng văn bản đóng góp cho dự thảo Nghị quyết chuyên đề về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", Đề án "Phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"… Tất cả nhằm hướng tới mục tiêu phấn đấu đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế....

Tại tọa đàm, các đại biểu cũng đã trao đổi làm rõ thêm tiềm năng, thế mạnh của các ngành, địa phương, đơn vị; đánh giá năng lực triển khai, dự báo những thuận lợi, khó khăn và thách thức, đồng thời đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp; kiến nghị cơ chế, chính sách tạo bước chuyển biến rõ nét thúc đẩy công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô phát triển.

Đồng thời kiến nghị thành phố tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho công nghiệp văn hóa; có cơ chế, chính sách về kích cầu, phát triển thị trường theo hướng xuất khẩu; đầu tư cho giáo dục sáng tạo để hình thành lớp công dân sáng tạo, làm chủ và nâng tầm sáng tạo; tăng cường giải pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ...

Kết luận tọa đàm, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội ghi nhận sự đồng hành, chia sẻ từ các Sở, ngành, quận, huyện, thị xã... trong việc tham góp ý kiến; khẳng định những đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị là động lực và cơ sở để thành phố hoàn thiện nội dung dự thảo.

Thanh Bảo (T/H)