Phần lớn diện tích đất trên thế giới đã bị suy thoái

Thứ sáu, 29/4/2022 | 09:14 GMT+7
Mới đây, Công ước Liên Hợp Quốc về chống sa mạc hóa (UNCCD) đã công bố một báo cáo về tài nguyên đất, trong đó chỉ ra rằng 40% diện tích đất trên thế giới đã bị suy thoái.

Cụ thể, báo cáo “Triển vọng đất đai toàn cầu 2” của UNCCD cho biết, 40% diện tích đất toàn cầu bị suy thoái đã khiến khoảng một nửa GDP toàn cầu, tương đương 44.000 tỷ USD gặp rủi ro. Tuy nhiên, nếu các quốc gia có chính sách, hành động khôi phục đất bị suy thoái kịp thời thì lợi ích kinh tế từ việc này có thể lên tới từ 125 – 140.000 tỷ USD mỗi năm, cao hơn khoảng 50% so với mức 93.000 tỷ USD GDP toàn cầu được ghi nhận vào năm 2021.

Theo báo cáo, các hoạt động hiện tại nếu không dừng lại mà vẫn tiếp tục diễn ra cho đến năm 2050, thì sự suy thoái đất sẽ ngày càng trầm trọng hơn. Các nhà khoa học ước tính quy mô suy thoái đất sẽ tương đương với diện tích khu vực Nam Mỹ.

Báo cáo phải mất 5 năm để hoàn thành, có sự tham gia của 21 tổ chức đối tác. Báo cáo được tập hợp từ hơn 1.000 tài liệu tham khảo và 250 nghiên cứu điển hình từ khắp nơi trên thế giới, tạo thành tài liệu thông tin toàn diện nhất từng được thu thập về chủ đề lĩnh vực tài nguyên đất.

Báo cáo chỉ ra rằng, hiện tượng đất bạc màu, giảm độ phì nhiêu; cạn kiệt tài nguyên nước, đa dạng sinh học, thảm thực vật bản địa, đang ngày càng lan rộng tại nhiều khu vực. Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng suy thoái này bắt nguồn từ hoạt động sản xuất lương thực của con người.

Tình trạng suy thoái diễn ra chủ yếu do hoạt động sản xuất lương thực

Ông Ibrahim Thiaw, Thư ký điều hành UNCCD cho biết: “Suy thoái đất đang ảnh hưởng đến thực phẩm, nước, carbon và đa dạng sinh học. Nó đang làm giảm GDP, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, giảm khả năng tiếp cận nước sạch và khiến tình trạng hạn hán ngày càng tồi tệ hơn”.

Theo ông, hoạt động nông nghiệp truyền thống vốn gây ra 80% nạn phá rừng, 70% việc sử dụng nước ngọt và là nguyên nhân lớn nhất gây mất đa dạng sinh học trên cạn. Vì vậy, chuyển đổi sang nông nghiệp hiện đại sẽ là thay đổi tích cực cho hành tinh.

Báo cáo của UNCCD cũng đưa ra các khuyến nghị cho Chính phủ các quốc gia về cách đầu tư vào phục hồi đất, giảm thiểu biến đổi khí hậu và xóa đói giảm nghèo.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã có nhiều biện pháp để ngăn chặn suy thoái và bảo vệ tài nguyên đất, điển hình là việc ban hành nhiều chính sách quan trọng như: Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Đất đai năm 2013, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật năm 2013…

Trong đó, theo Luật Đất đai 2013, đối với đất chuyên trồng lúa nước, người sử dụng đất có trách nhiệm bảo vệ, cải tạo, làm tăng độ màu mỡ của đất, không được chuyển sang sử dụng vào mục đích trồng cây lâu năm, trồng rừng, nuôi trồng thủy sản hoặc vào các mục đích phi nông nghiệp nếu không được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Đối với đất có mặt nước ven biển, các chủ thể sử dụng đất có mặt nước ven biển để nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối cần tuân theo các quy định của pháp luật. Đặc biệt, các chủ thể này phải bảo vệ đất, làm tăng sự bồi tụ đất ven biển cũng như bảo vệ hệ sinh thái, môi trường và cảnh quan...

Đối với các loại đất chuyên dùng: các chủ thể có nhu cầu sử dụng đất vào các mục đích chuyên dùng như xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh, sử dụng trong hoạt động khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm... đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật về việc bảo vệ tài nguyên đất.

Đối với các loại đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh, các chủ thể cần xây dựng cho phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết, quy hoạch xây dựng đô thị, điểm dân cư nông thôn đã được xét duyệt cũng như các quy định về bảo vệ đất với tư cách là một nguồn tài nguyên.

Đối với đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản, các chủ thể tiến hành hoạt động khoáng sản phải tuân theo các quy định của pháp luật về bảo vệ và cải tạo đất được quy định tại Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường... Khi kết thúc việc thăm dò, khai thác khoáng sản, người sử dụng đất có trách nhiệm trả lại đất đúng với trạng thái được quy định trong hợp đồng thuê đất ban đầu.

Đối với đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, phải được quy hoạch thành khu tập trung, xa khu dân cư, thuận tiện cho việc chôn cất, thăm viếng, đặc biệt là phải hợp vệ sinh và tiết kiệm tài nguyên đất...

Pháp luật Việt Nam về kiểm soát suy thoái môi trường đất còn quy định, việc nhập khẩu các chế phẩm sinh học, các chất độc hại, chất phóng xạ, các loài động vật, thực vật, nguồn gene, vi sinh vật có liên quan tới bảo vệ môi trường đất phải được sự đồng ý bằng văn bản của các cơ quan quản lí nhà nước về môi trường.

Thanh Tâm (T/H)