Kinh tế xanh

Phát triển bền vững hệ thống phân phối thực phẩm an toàn

Thứ năm, 8/12/2022 | 08:40 GMT+7
Ngày 7/12, tọa đàm "Phát triển bền vững hệ thống phân phối thực phẩm an toàn" được tổ chức nhằm góp phần triển khai các nội dung về phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn.

Tại tọa đàm, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, Bộ đã triển khai các chính sách phát triển hệ thống hạ tầng thương mại hiện đại, văn minh và đổi mới cách quản lý đối với chợ truyền thống nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm. Bộ cũng đã tập huấn, tuyên truyền phổ biến cho người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức ở địa phương, nhất là các Sở Công Thương nhằm xây dựng hệ thống phân phối thực phẩm an toàn.

Bên cạnh đó, Bộ thực hiện lồng ghép hoạt động về an toàn thực phẩm vào những chương trình lớn về kinh tế - xã hội; lồng ghép vào những chương trình như cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", chương trình về phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chương trình xúc tiến thương mại quốc gia…

 Tọa đàm "Phát triển bền vững hệ thống phân phối thực phẩm an toàn"

Dù đã có nhiều tiến bộ nhưng việc phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn hiện vẫn chưa đồng đều và toàn diện. Số lượng siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh có chứng nhận bảo đảm an toàn thực phẩm còn hạn chế.

Tham gia thảo luận, các ý kiến nhấn mạnh, việc đề ra chính sách xây dựng hệ thống phân phối thực phẩm an toàn là hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Tuy nhiên, để chính sách gắn với thực tiễn của mỗi địa phương, phát huy được sự linh hoạt trong triển khai, từ đó nhân rộng mô hình, cần thiết sự hỗ trợ hơn nữa để ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn.

Về phía người tiêu dùng, sự hiện diện của các hệ thống phân phối thực phẩm an toàn sẽ là sự lựa chọn bảo đảm, giúp cho việc tiêu dùng văn minh, góp phần đẩy lùi nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Thời gian qua các doanh nghiệp cũng đã nhận thức được nếu bảo đảm được an toàn thực phẩm thì sẽ là cách xây dựng thương hiệu, phát triển bền vững nhất.

Để xây dựng mạng lưới và chuỗi kinh doanh thực phẩm an toàn, bà Lê Việt Nga đề xuất, cần có sự vào cuộc đều tay từ các Bộ, ngành và cơ quan chức năng. Đặc biệt, phải bảo đảm đồng bộ 3 yếu tố gồm: hạ tầng thương mại, chất lượng thực phẩm được kinh doanh và người kinh doanh, cũng như người tiêu dùng tham gia mua bán thực phẩm.

Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp, cần chủ động kết nối với cơ quan quản lý nhà nước để có thể xây dựng, ban hành chính sách phù hợp với từng giai đoạn phát triển, xây dựng tốt nhất mạng lưới kinh doanh thực phẩm an toàn. Người tiêu dùng cần phát huy quyền của mình để cùng nhau đồng hành với doanh nghiệp, góp ý trong cung ứng thực phẩm an toàn theo cách thuận tiện và giá cả hợp lý nhất.

Mỹ Dung