Năng lượng phát triển

Phát triển điện hạt nhân là tính tất yếu và cần sự đồng thuận cao

Thứ bảy, 26/4/2025 | 08:33 GMT+7
Tái khởi động chủ trương phát triển điện hạt nhân sau 8 năm là tín hiệu chính trị hết sức quan trọng, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước về sử dụng năng lượng nguyên tử như một đòn bẩy chiến lược để bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển bền vững và thực hiện cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Chiều 25/4, tại Viện Nghiên cứu hạt nhân (thành phố Đà Lạt), Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội thảo chuyên đề “Phát triển và ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển đất nước nhanh và bền vững trong kỷ nguyên mới”. Chủ trì là ông Huỳnh Thành Đạt – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân; GS.TS. Trần Hồng Thái-Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cùng gần 100 đại biểu tham gia là chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học và các địa phương Lâm Đồng, Ninh Thuận và Khánh Hòa.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo-Dân vận Trung ương Huỳnh Thành Đạt phát biểu định hướng Hội thảo 

Phát biểu định hướng Hội thảo, ông Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh: “Trong bối cảnh kỷ nguyên mới, với những yêu cầu ngày càng cao về chuyển đổi năng lượng, bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh, năng lượng hạt nhân đang trở lại mạnh mẽ và được xem là nguồn năng lượng nền, ổn định, sạch và hiệu quả (...). Với Việt Nam, việc phát triển điện hạt nhân không chỉ nhằm bổ sung nguồn cung năng lượng mà còn là bước đi chiến lược để nâng cao tiềm lực khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chủ động hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu về công nghiệp năng lượng nguyên tử”.

GS.TS Trần Hồng Thái-Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phát biểu về những thành tựu và ứng dụng công nghệ hạt nhân trên địa phương 

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái cho biết: Tỉnh Lâm Đồng hiện đang quản lý tổng cộng 1.150 nguồn phóng xạ đang sử dụng và lưu giữ tại 09 cơ sở, gồm 02 cơ sở nghiên cứu, đào tạo. Đến nay, hoạt động ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong các lĩnh vực của đời sống và sản xuất trên địa bàn tỉnh có thể nói đi đầu trong cả nước như: làm chủ các hệ thống công nghệ của Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, bảo đảm Lò vận hành gần 70.000 giờ an toàn và hiệu quả; Làm chủ công nghệ sản xuất và cung cấp khoảng 14.000 Ci thuốc phóng xạ cho 23 bệnh viện phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh; Phát triển thành công các kỹ thuật phân tích hạt nhân và liên quan, công nghệ đánh dấu đồng vị phục vụ nghiên cứu và dịch vụ cho các ngành trong cả nước; Chế tạo thành công một số thiết bị đo đạc, phân tích phóng xạ phục vụ trong y tế, dầu khí, môi trường,…; Tạo ra được một số giống lúa, cây ăn trái có tính năng vượt trội về năng suất, chất lượng,...; Sử dụng kỹ thuật hạt nhân để kiểm tra chất lượng mà không phá hủy cấu trúc, như kiểm tra mối hàn, đo mức, đo độ dày...​ Sử dụng đồng vị phóng xạ môi trường kết hợp phương pháp đánh dấu để theo dõi quá trình sa bồi, bồi lắng, xói mòn và rò rỉ trên các hồ thủy điện, thủy lợi; Đánh giá tốc độ bồi lắng, đề xuất quy trình nạo vét và bảo trì tối ưu, giúp kéo dài tuổi thọ công trình và duy trì khả năng tích nước....

Ông Trần Hồng Thái cũng khẳng định: "Tỉnh Lâm Đồng luôn nỗ lực phát huy lợi thế sẵn có về hạ tầng nghiên cứu, đội ngũ cán bộ kỹ thuật và môi trường thuận lợi để thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ trong lĩnh vực bức xạ, đồng vị phóng xạ và công nghệ hạt nhân, không chỉ phục vụ mục tiêu phát triển của tỉnh mà còn đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển chung của cả nước. Tỉnh Lâm Đồng cam kết tiếp tục đồng hành, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước triển khai các hoạt động nghiên cứu, hợp tác, đào tạo, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực này. Đồng thời, tỉnh cũng mong muốn được đón nhận thêm nhiều chương trình hợp tác, đầu tư để khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng khoa học - công nghệ hiện có".

Các nhà khoa học tham luận và trao đổi những vấn đề về điện hạt nhân 

Với tinh thần khoa học, trí tuệ, trách nhiệm và kinh nghiệm thực tiễn các đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ những nội dung thiết thực, quan trọng, đang được quan tâm về triển khai các dự án năng lượng hạt nhân. Trong đó nổi bật các vấn đề như: Công nghệ và an toàn điện hạt nhân trong quá trình xây dựng và triển khai nhà máy điện hạt nhân; Ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong đời sống, y tế, nông nghiệp, công nghiệp; Vai trò của truyền thông và nhận thức xã hội trong thúc đẩy phát triển năng lượng hạt nhân; Các giải pháp của địa phương, cơ quan báo chí, và cộng đồng khoa học nhằm giải đáp thắc mắc, quan tâm, lo lắng của người dân về vấn đề sự cố hạt nhân, các tác động đối với môi trường và sức khoẻ con người.

Hội thảo đã nghe 2 tham luận gồm: “Công nghệ và an toàn điện hạt nhân, phát triển điện hạt nhân trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước” của TS. Trần Chí Thành-Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam. Ông Thành cho biết, Việt Nam đã nỗ lực triển khai các dự án điện hạt nhân, đã quy hoạch 8 địa điểm, khảo sát kỹ 2 địa điểm tại Ninh Thuận. Để phát triển điện hạt nhân, đã xây dựng hệ thống pháp quy, đào tạo nguồn nhân lực, có các kết quả đáng kể trong triển khai 2 dự án tại Ninh Thuận. Vì vậy, theo ông, “cần tiếp tục những gì đã chuẩn bị từ trước năm 2016”. TS. Trần Chí Thành cũng cho rằng: Việc chuẩn bị để phát triển điện hạt nhân cần thời gian dài, đòi hỏi ít nhất 10-15 năm. Trong đó nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng để thành công. Mặt khác, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng hệ thống pháp quy hạt nhân (sửa Luật Năng lượng nguyên tử) là nhiệm vụ cần thiết.

Các đại biểu tham gia Hội thảo 

Tại tham luận “Ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội”, nhóm tác giả PGS.TS Nguyễn Nhị Điền-nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Chủ tịch Hội Năng lượng nguyên tử Việt Nam và TS. Hoàng Sỹ Thân-Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam kết luận: Ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ vào các ngành kinh tế đã đạt được nhiều thành tựu và kết quả nổi bật trong giai đoạn đến năm 2020 và có nhiều cơ hội phát triển nhanh trong thời gian tới với sự đột phá của Nghị quyết 57/NQ-TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 193/NQ-QH15 của Quốc hội và Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

PGS.TS Nguyễn Nhị Điền cũng cho rằng, dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân với lò nghiên cứu mới công suất 10 MWt hiện đang được tích cực triển khai nhằm thực hiện các nghiên cứu tiên tiến; sản xuất được chất phóng xạ; dịch vụ chiếu xạ sản xuất chất bán dẫn và các nghiên cứu ứng dụng khác. “Điện hạt nhân là một trong những ứng dụng quan trọng nhất của năng lượng nguyên tử. Công nghệ điện hạt nhân hiện nay tiên tiến và an toàn, có một vai trò quan trọng chuyển đổi năng lượng xanh của Việt Nam cũng như của thế giới. Thực hiện Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận là cơ hội tốt để ngành năng lượng nguyên tử có những đóng góp thiết thực hơn cho phát triển đất nước nhanh và bền vững trong kỷ nguyên mới”, TS. Nguyễn Nhị Điền khẳng định.  

Đại diện các địa phương trao đổi ý kiến liên quan đến điện hạt nhân

Trao đổi, thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu thống nhất phát triển điện hạt nhân là xu thế tất yếu trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển đổi năng lượng, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải và phát triển bền vững. Vấn đề hiện nay là cần tuyên truyền đầy đủ, rõ ràng về lợi ích, tính an toàn và vai trò của năng lượng nguyên tử để tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, nhất là tại các địa phương dự kiến triển khai dự án năng lượng nguyên tử.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo-Dân vận Trung ương Huỳnh Thành Đạt (trái) nghe giới thiệu về Lò Phản ứng hạt nhân tại Đà Lạt 

Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Huỳnh Thành Đạt kết luận: Ban chỉ đạo trân trọng và ghi nhận tất cả các ý kiến của các địa phương và sẽ chuyển đến các cơ quan có trách nhiệm liên quan để xử lý. Ông cũng khẳng định các tham luận và ý kiến trao đổi đều thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, có cơ sở khoa học vững chắc, phong phú, có tầm nhìn chiến lược, làm sáng tỏ vấn đề phát triển năng lượng nguyên tử, đặc biệt điện hạt nhân. Ông cũng cho biết, sau khi đi thăm khu vực của dự án xây dựng điện hạt nhân tại Ninh Thuận ghi nhận người dân ở đây rất ủng hộ. Người dân cũng rất quan tâm đến ba chữ “an”: an toàn, an ninh và an sinh xã hội. Trung ương đã có những quyết sách về vấn đề này.

Các đại biểu tham quan Lò Phản ứng hạt nhân tại Đà Lạt 

“Việc triển khai phát triển điện hạt nhân không chỉ là quyết sách đúng đắn về đầu tư phát triển năng lượng phục vụ kinh tế, xã hội mà còn là bài toán chính trị - xã hội đòi hỏi sự đồng thuận cao. Người dân là chủ thể trung tâm, là đối tượng thụ hưởng thành quả”, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân Huỳnh Thành Đạt kết luận.

 

Minh Đạo