Phát triển kinh tế Côn Đảo gắn với bảo vệ sinh thái

Thứ ba, 4/1/2022 | 12:08 GMT+7
Mới đây, Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và UBND huyện Côn Đảo đã tổ chức Hội nghị thẩm định điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Xây dựng đánh giá, việc lập điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2050 là việc làm hết sức cần thiết và cấp bách.

Khu vực lập điều chỉnh quy hoạch là toàn bộ ranh giới hành chính huyện Côn Đảo gồm 16 đảo với diện tích 7.678ha, trong đó đảo Côn Sơn có diện tích 5.964ha. Quy mô dân số hiện trạng đến đầu năm 2021 đạt khoảng 10.760 người. Phạm vi nghiên cứu gián tiếp khoảng 20.500ha, bao gồm diện tích bảo tồn biển trong phạm vi vườn quốc gia Côn Đảo 14.000ha và diện tích vùng đệm biển 6.500ha.

Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Côn Đảo lần này sẽ có 4 mục tiêu chính. Bao gồm: cụ thể hóa các chủ trương của Chính phủ, của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc rà soát, điều chỉnh những nội dung quy hoạch đã được phê duyệt theo Quyết định số 1518/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; cập nhật các điều chỉnh về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2021 - 2030.

Xây dựng huyện Côn Đảo bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa, bảo vệ sinh thái rừng biển, bảo đảm an ninh quốc phòng theo hướng phát triển hiện đại và bền vững.

Xây dựng đô thị Côn Đảo theo mô hình kinh tế tuần hoàn hạ tầng, hướng tới mục tiêu hình thành một đô thị xanh, phát triển bền vững nhằm bảo vệ môi trường rừng biển, tiết kiệm tài nguyên, thúc đẩy phát triển kinh tế, lợi ích xã hội.

Tạo cơ sở cho việc triển khai quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, các dự án đầu tư và quản lý xây dựng đô thị theo quy hoạch.

Quy hoạch chung Côn Đảo

Để đạt được các mục tiêu trên, trước tiên các ban, ngành được chỉ đạo phải coi Côn Đảo là khu du lịch quốc gia, tầm cỡ khu vực và quốc tế; là đô thị hội tụ đầy đủ các tiềm năng để trở thành một đô thị phát triển về du lịch dịch vụ sinh thái biển đảo của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt với nhà tù Côn Đảo có giá trị tôn vinh và giáo dục truyền thống lịch sử; là khu vực bảo tồn hệ sinh thái đa dạng rừng, biển đảo của quốc gia, quốc tế và là khu vực có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh.

Sau đó, cần phân tích và đánh giá các nội dung của Quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo được phê duyệt tại Quy hoạch chung 2011 như thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, dân số, lao động, đất đai, cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, môi trường sinh thái tại Côn Đảo; xác định rõ vai trò, mối quan hệ của Côn Đảo với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM, vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Nghiên cứu đề xuất các phương án phân vùng chức năng; xác định quỹ đất các khu vực bảo tồn di tích văn hóa lịch sử, các khu vực bảo tồn tự nhiên... Đề xuất định hướng phát triển không gian cho Côn Đảo trên cơ sở rà soát, kế thừa hợp lý các định hướng của Quy hoạch chung năm 2011 và các quy hoạch ngành có liên quan. Đề xuất các giải pháp về thiết kế đô thị và quản lý đô thị theo quy hoạch; xây dựng các chương trình và các dự án chiến lược cần ưu tiên đầu tư…

Mặt khác, theo đánh giá của các chuyên gia, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cần xem xét bổ sung, hoàn thiện nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung Côn Đảo đến năm 2045. Cụ thể, cần cân nhắc mục tiêu phát triển lên đô thị loại III; cân nhắc chỉ tiêu sử dụng đất hướng đến tiết kiệm, hiệu quả, đánh giá động lực phát triển của các đảo và đánh giá sự giao thoa giữa các quy hoạch, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất; cân nhắc tác động của quy hoạch tới diện tích rừng đặc dụng và đánh giá hiện trạng, định hướng phát triển du lịch của Côn Đảo; phát triển cảng biển và sân bay để thúc đẩy giao lưu quốc tế…

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Ngọc Khánh khẳng định, tỉnh sẽ tiếp thu các ý kiến và xây dựng mô hình phát triển Côn Đảo theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, hướng đến mục tiêu trở thành điểm du lịch quốc tế, bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa và tài nguyên thiên nhiên.

Kim Bảo (T/H)