Bản tin môi trường số 1/2022

Thứ hai, 3/1/2022 | 16:58 GMT+7
Từ ngày 1/1/2022, Luật Bảo vệ môi trường 2020 bắt đầu có hiệu lực thi hành. Luật gồm 16 chương, 171 điều, thể hiện rõ mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ các thành phần môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân.

Thi hành một số luật về môi trường từ ngày 1/1/2022

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng sẽ thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, thực hiện hậu kiểm đối với các dự án có công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường; cắt giảm thủ tục hành chính; đã định chế nội dung sức khỏe môi trường...

Luật Bảo vệ môi trường 2020 tăng cường nhiều giải pháp bảo vệ các thành phần môi trường

Bổ sung nhiều giải pháp bảo vệ các thành phần môi trường, nhất là môi trường không khí, môi trường nước; thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn; định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Cũng từ ngày 1/1/2022, Thông tư 12/2021/TT-BNNPTNT về hướng dẫn việc thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp tái sử dụng cho mục đích khác cũng có hiệu lực thi hành.

Theo đó, với chất thải chăn nuôi, cụ thể là chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ trong chăn nuôi nông hộ phải thu gom để xử lý theo quy định, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường; vị trí tập trung chất thải rắn trong khuôn viên cơ sở chăn nuôi trang trại để xử lý phải xa khu chuồng nuôi, xa nơi cấp nước, khu vực kho thức ăn chăn nuôi.

Nâng cao hiệu quả công tác khí tượng thủy văn trong năm 2022

Mới đây, Tổng cục Khí tượng thủy văn (KTTV), Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (KHKTTV&BĐKH) tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành biểu dương kết quả đạt được của Tổng cục KTTV và Viện KHKTTV&BĐKH trong năm 2021, đồng thời yêu cầu Tổng cục tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực KTTV. Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát, hoàn thiện các quy trình dự báo, đặc biệt là các hiện tượng KTTV nguy hiểm để thống nhất thực hiện trong toàn bộ hệ thống dự báo quốc gia. Trong đó, một trong các nhiệm vụ quan trọng nhất là cần nhanh chóng triển khai Chỉ thị số 10 của Ban Bí thư và Chiến lược phát triển ngành KTTV đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Các đại biểu tham gia Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Lê Công Thành

Cụ thể, cần tiếp tục duy trì kỷ luật, kỷ cương hành chính, giữ vững sự chủ động trong các phương án, tình huống phức tạp nhất, hướng tới đạt mục tiêu phục vụ hiệu quả sự an toàn của nhân dân là trên hết. Đặc biệt, cần tiếp tục tăng cường theo dõi chặt chẽ, sát sao các diễn biến KTTV để phục vụ tốt công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, giảm thiểu thiệt hại…

Trong năm 2022, đề nghị các chuyên gia của Viện đặt trọng tâm nghiên cứu để đưa ra các phương pháp dự báo, cảnh báo được những tác động tiêu cực và lợi ích mà thời tiết, khí hậu, thủy văn mang lại; đặc biệt tập trung vào những khía cạnh như kinh tế, biến đổi khí hậu…

Mặt khác, Thứ trưởng đề nghị Tổng cục KTTV cần nhanh chóng ứng dụng công nghệ 4.0 vào trong các hoạt động cảnh báo, dự báo. Việc chuyển đổi số trong hệ thống dự báo, hệ thống quan trắc được tự động hóa là rất quan trọng.

Nga cam kết hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực môi trường và biến đổi khí hậu

Mới đây, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã tiếp và làm việc với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam Bezdetko Gennady Stepanovich để cùng trao đổi hợp tác, nhất là trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà làm việc với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga Bezdetko Gennady Stepanovich

Trao đổi với Đại sứ Bezdetko Gennady Stepanovich, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã ra Tuyên bố chung về tầm nhìn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga đến năm 2030.

Vì vậy, để hiện thực hóa Chương trình nghị sự 2030 mà hai Chính phủ đã đề ra, Bộ TN&MT mong muốn tiếp tục duy trì và tăng cường hợp tác với các đối tác, các cơ quan của Liên bang Nga trong các lĩnh vực hợp tác truyền thống như: thăm dò khoáng sản ẩn sâu; nghiên cứu biển, xử lý môi trường, nhất là tồn dư hóa chất do chiến tranh; đồng thời tìm kiếm khả năng hợp tác trong các lĩnh vực mới như biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, khí tượng thủy văn.

Là một quốc gia có nền khoa học công nghệ rất phát triển, Liên bang Nga cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam trong các công tác về quản lý và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như tạo điều kiện để doanh nghiệp hai nước cùng chia sẻ và hợp tác phát triển kinh tế…

Khả Như