Thi hành một số luật về môi trường từ ngày 1/1/2022

Thứ tư, 29/12/2021 | 17:46 GMT+7
Từ ngày 1/1/2022, Luật Bảo vệ môi trường 2020 bắt đầu có hiệu lực thi hành. Đây là dấu mốc quan trọng của ngành môi trường và Chính phủ trong công tác bảo vệ môi trường, sức khỏe con người.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 gồm 16 chương, 171 điều, thể hiện rõ mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ các thành phần môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân.

Cụ thể, theo luật, cộng đồng dân cư sẽ là một chủ thể quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường. Do đó, công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong các hoạt động bảo vệ môi trường sẽ được tăng cường.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng sẽ thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, thực hiện hậu kiểm đối với các dự án có công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường; cắt giảm thủ tục hành chính; đã định chế nội dung sức khỏe môi trường...

Bổ sung nhiều giải pháp bảo vệ các thành phần môi trường, nhất là môi trường không khí, môi trường nước; thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn; định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Đây cũng là lần đầu tiên chế định về thẩm quyền quản lý nhà nước dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp, thống nhất một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện; phân cấp triệt để cho địa phương.

Tăng cường nhiều giải pháp bảo vệ các thành phần môi trường

Mặt khác, luật sẽ chế định cụ thể về kiểm toán môi trường nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý môi trường của doanh nghiệp; cụ thể hóa các quy định về ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển thị trường carbon trong nước; hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ di sản thiên nhiên phù hợp với pháp luật quốc tế về di sản thế giới, đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế; tạo lập chính sách phát triển các mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, phục hồi và phát triển nguồn vốn tự nhiên.

Một trong những nội dung đáng chú ý nhất của luật này là quy định chặt chẽ về nghĩa vụ phân loại rác thải sinh hoạt của mỗi gia đình, cá nhân. Theo đó, hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác sẽ bị từ chối thu gom, vận chuyển, thậm chí còn bị thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra và xử lý theo quy định. Luật mới cũng quy định giá của dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sẽ được tính dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại, tức là kể từ ngày 1/1/2022, gia đình, cá nhân nào càng xả nhiều rác thì càng phải trả nhiều tiền.

Cũng từ ngày 1/1/2022, Thông tư 12/2021/TT-BNNPTNT về hướng dẫn việc thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp tái sử dụng cho mục đích khác cũng có hiệu lực thi hành.

Theo đó, với chất thải chăn nuôi, cụ thể là chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ trong chăn nuôi nông hộ phải thu gom để xử lý theo quy định, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường; vị trí tập trung chất thải rắn trong khuôn viên cơ sở chăn nuôi trang trại để xử lý phải xa khu chuồng nuôi, xa nơi cấp nước, khu vực kho thức ăn chăn nuôi.

Ngoài ra, xử lý chất thải chăn nuôi gồm việc xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ và xử lý nước thải chăn nuôi. Cụ thể, chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ trong chăn nuôi nông hộ được xử lý bằng biện pháp ủ compost, biogas, chế phẩm sinh học... Nước thải chăn nuôi nông hộ được xử lý bằng các biện pháp: công nghệ khí sinh học, ao sinh học, chế phẩm sinh học hoặc các biện pháp khác đảm bảo hạn chế phát sinh mùi hôi, thối và không để chảy tràn ra môi trường xung quanh...

Thanh Tâm