Kinh tế xanh

Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên

Thứ tư, 5/4/2023 | 11:26 GMT+7
Ngày 4/4, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tỉnh ủy Đắk Lắk tổ chức hội thảo Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên gắn với quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Thông tin tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười cho biết, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh còn nhiều tồn tại, khó khăn. Cụ thể, việc thu hút đầu tư vào sản xuất nông, lâm nghiệp, tổ chức quản lý rừng chưa bền vững; hoạt động kinh tế rừng mới ở giai đoạn sơ khai, kết quả đạt được chưa rõ nét; một số cơ sở pháp lý còn bị chồng chéo, chưa thống nhất, đồng bộ; hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh còn nhiều hạn chế nên chưa đủ sức hút các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp; quy hoạch đất đai, lâm nghiệp và các ngành, lĩnh vực chưa tốt, đặc biệt đối với quy hoạch lâm nghiệp thường xuyên bị thay đổi; nguồn vốn ngân sách đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng thấp; đặc biệt đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên.

Do đó, để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân, tăng nguồn thu cho các chủ rừng, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông đề nghị các cấp tiếp tục duy trì chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; phát huy thế mạnh của rừng thông qua hoạt động cho thuê môi trường rừng; từng bước tham gia xây dựng cơ sở dữ liệu, hành lang phát lý để tiếp cận và tham gia thị trường carbon.

Hội thảo Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên gắn với quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

Theo ông Y Biêr Niê, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được phê duyệt, trong đó xác định Đắk Lắk đặt mục tiêu phát triển các sản phẩm nông, lâm sản lợi thế quy mô lớn, chất lượng cao, xuất khẩu lớn. Để thực hiện thành công, tỉnh mong muốn cơ quan Trung ương, chuyên gia, tổ chức cá nhân đánh giá đúng về thực trạng, nhận định rõ các khó khăn, vướng mắc của tỉnh nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Từ đó đưa ra định hướng, chính sách để giải quyết những vấn đề còn tồn tại lâu nay của cả khu vực liên quan đến công tác phát triển kinh tế liên quan đến quản lý, bảo vệ rừng.

Về vấn đề này, ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tiềm năng đối với dịch vụ môi trường rừng tại khu vực Tây Nguyên là rất lớn. Khu vực Tây Nguyên như một trung tâm đa dạng sinh học của thế giới với các hệ sinh thái rừng phong phú và đa dạng là nơi sinh sống, phát triển của nhiều loài động, thực vật hoang dã đặc hữu. Tuy nhiên, nhiều tiềm năng dịch vụ của rừng chưa được khai thác như dịch vụ phòng chống thiên tai, chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng, giảm lũ ống, lũ quét bảo vệ công trình thủy lợi vùng đầu nguồn. Vì vậy, cần thiết phải nghiên cứu xây dựng chính sách đối với dịch vụ môi trường rừng.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cũng cho biết, Việt Nam đã ký Thỏa thuận các hiệp ước về biến đổi khí hậu. Theo đó, để giảm phát thải khí nhà kính theo các cam kết, có nhiều biện pháp khác nhau có thể triển khai như tăng cường khả năng hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng thông qua bảo vệ rừng, phục hồi rừng, trồng rừng và quản lý rừng bền vững là giải pháp quan trọng, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Đây cũng là tiềm năng trong việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với những tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh gây phát thải khí nhà kính lớn.

Sau khi nghe các ý kiến tại hội thảo, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương yêu cầu các địa phương, ngành thực hiện 4 nhiệm vụ chính. Bao gồm: rà soát sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp trong dự thảo Luật Đất đai; nâng cao hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và giải pháp phát triển bền vững dịch vụ môi trường rừng trong thời gian tới; hoàn thiện cơ chế, chính sách cho thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam.

Đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, khả thi trong công tác bảo đảm an sinh đối với người dân khu vực có rừng; trong đó nâng cao vai trò của đồng bào dân tộc thiểu số trong công tác phát triển lâm nghiệp, nhất là hoạt động bảo vệ và phát triển rừng; đảm bảo an sinh xã hội gắn với công tác phát triển lâm nghiệp trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Khai thác tiềm năng Tây Nguyên dựa trên 4 trụ cột để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về kinh nghiệm chuyển đổi kép xanh và công nghệ số ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Minh Khang