Kinh tế xanh

Định hướng phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững tại Tuyên Quang

Thứ ba, 4/4/2023 | 11:12 GMT+7
Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 325/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó nhấn mạnh định hướng phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững.

Theo quyết định, Quy hoạch xác định mục tiêu tổng quát là đến năm 2030 Tuyên Quang là tỉnh phát triển khá, toàn diện, bao trùm và bền vững trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; kinh tế phát triển xanh và năng động, nhanh và bền vững trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Không gian kinh tế - xã hội được tổ chức, phát triển hài hòa, hợp lý gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; bảo đảm môi trường, sinh thái. Xây dựng Tuyên Quang là tỉnh điển hình về phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất, chế biến gỗ của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

Định hướng đến năm 2050, Tuyên Quang là tỉnh phát triển, thu nhập cao của vùng, có môi trường xã hội văn minh, hiện đại, sáng tạo, dân chủ. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phát triển xanh, công nghiệp sinh thái, thông minh; dịch vụ phát triển đa dạng, hiện đại; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phát triển toàn diện, bao trùm và bền vững kinh tế lâm nghiệp tỉnh Tuyên Quang

Theo định hướng, Tuyên Quang sẽ tập trung phát triển ba trụ cột kinh tế gồm: công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng theo định hướng kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, đặc sản và kinh tế lâm nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Trong đó, phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp theo hướng nông nghiệp hàng hóa, sản xuất an toàn, hữu cơ, đặc sản; hình thành các vùng chuyên canh với quy mô thích hợp. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Thực hiện giao đất, giao rừng để phát triển kinh tế lâm nghiệp, chú trọng phát triển một số diện tích sản xuất, khai thác cây gỗ lớn tại các khu vực có tiềm năng, tiến tới xây dựng, phát triển khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất, chế biến gỗ của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; trong đó ưu tiên thu hút đầu tư tại thành phố Tuyên Quang và các huyện: Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên, Chiêm Hóa; đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh điển hình về phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Duy trì tổng diện tích rừng sản xuất khoảng 260.000ha tại các huyện trên địa bàn tỉnh, trong đó phát triển rừng gỗ lớn trên 89.000ha.

Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Tuyên Quang cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các mô hình tiến bộ khoa học kỹ thuật mới và tiên tiến, ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm khai thác hiệu quả và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đề xuất và thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thuộc các chương trình trọng điểm cấp quốc gia, tập trung vào các nội dung về phát triển kinh tế, sản xuất, đời sống, thích ứng với biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo, nâng cao giá trị hàng hóa có thế mạnh của tỉnh, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo... Thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ; phát triển nền tảng và tăng cường liên kết trong mạng lưới đổi mới sáng tạo; tiếp thu, làm chủ, chuyển giao, ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm nâng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Mặt khác, cần có phương án tổ chức không gian khu vực nông thôn, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung; phương án phân bố hệ thống điểm dân cư. Trong đó, đầu tư xây dựng, phát triển khu dân cư nông thôn bảo đảm tiết kiệm quỹ đất, chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng, cải thiện điều kiện vật chất cho người dân, gắn với các vùng sản xuất nông nghiệp và bảo đảm chủ động phòng, chống thiên tai; phát triển các trung tâm cụm xã trở thành các trung tâm dịch vụ, gắn với sản xuất nông nghiệp, công nghiệp vừa và nhỏ, tiểu thủ công nghiệp tại khu vực nông thôn; phát triển khu dân cư nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới…

Thanh Bảo