Kinh tế xanh

Phát triển bền vững kinh tế, du lịch Hòa Bình

Thứ bảy, 25/3/2023 | 23:08 GMT+7
Ngày 25/3, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 95/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình về phát triển kinh tế bền vững.

Theo thông báo, với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và nguồn lực phong phú, tỉnh Hòa Bình hội tụ đủ các điều kiện riêng có để phát triển nhanh, bền vững, văn minh và giàu đẹp. Trong đó, tỉnh có nền văn hóa dân tộc đặc sắc với 786 di sản văn hóa phi vật thể; hơn 18.000 hiện vật có giá trị của nền "Văn hóa Hòa Bình"; văn hóa ẩm thực đa dạng, phong phú, nhiều sản vật địa phương nổi tiếng như cơm lam, lợn mán, cá sông Đà, rượu cần Mường, cam Cao Phong, quýt Ôn Châu, mía tím... Con người Hòa Bình giàu truyền thống cách mạng, đoàn kết, cần cù, đôn hậu, mến khách với khát vọng vươn lên mạnh mẽ làm giàu cho quê hương, đất nước.

Trong thời gian tới, Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Hòa Bình phát huy mạnh mẽ những tiềm năng, cơ hội và lợi thế nêu trên; phát huy hơn nữa tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất của mình, không trông chờ, ỷ lại. Lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá.

Phát triển bền vững tiềm năng, cơ hội và lợi thế tỉnh Hòa Bình

Đặc biệt, với lợi thế là địa phương còn nhiều dư địa phát triển, nhất là về nông nghiệp, công nghiệp chế biến, du lịch văn hóa lịch sử - sinh thái, tỉnh Hòa Bình phải hết sức chú trọng bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Góp phần cùng cả nước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả.

Tỉnh cần tập trung xây dựng, phát huy hiệu quả vùng động lực kinh tế của tỉnh; điều chỉnh hợp lý chiến lược các ngành kinh tế; ưu tiên nguồn lực cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn gắn với tiềm năng, thế mạnh, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Thực hiện tốt công tác xây dựng cơ chế, chính sách mở đường cho phát triển, thu hút đầu tư, chú trọng phương thức đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) để huy động mọi nguồn lực cho phát triển.

Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng chuyên canh gắn kết với công nghiệp chế biến, du lịch, nhất là những nông sản có thế mạnh; phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Triển khai hiệu quả chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trong đó chú trọng 5 yếu tố: xây dựng thương hiệu, quy hoạch vùng nguyên liệu, vốn tín dụng, ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển thị trường.

Chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Tăng cường công tác quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường; bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; nghiên cứu tổ chức thực hiện hiệu quả dịch vụ carbon rừng trên địa bàn. Xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng cao, độc đáo gắn với giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa, bản sắc, nét đẹp của thiên nhiên, con người Hòa Bình...

Lam An