Phát triển ứng dụng các công nghệ dự báo, cảnh báo hiểm họa về thiên tai

Thứ tư, 8/11/2023 | 16:09 GMT+7
Mới đây, tại hội thảo khoa học quốc tế GIS-IDEAS 2023 “Tin học địa lý cho phát triển cơ sở hạ tầng - không gian trong khoa học trái đất và liên minh”, các nhà khoa học toàn cầu đã cùng chia sẻ những sáng kiến, công nghệ tiên tiến giúp củng cố, phát triển ứng dụng công nghệ dự báo, cảnh báo hiểm họa thiên tai, hướng tới tương lai bền vững cho Việt Nam và toàn thế giới.

Hội thảo khoa học quốc tế GIS-IDEAS 2023 với chủ đề “Công nghệ tích hợp không gian địa lý cho các hiểm họa thiên nhiên và vấn đề môi trường” do trường Đại học Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội phối hợp cùng Hội Địa tin học Việt Nhật, trường Đại học Osaka Nhật Bản tổ chức.

Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Huỳnh Thị Lan Hương, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học TN&MT Hà Nội cho biết, trường đã cam kết, hợp tác với các nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu, tìm ra giải pháp ứng phó thiên tai, các vấn đề về môi trường. Thông qua hội thảo, trường hy vọng đây là dịp để các nhà khoa học toàn cầu chia sẻ sáng kiến cùng những công nghệ tiên tiến liên quan đến địa tin học, viễn thám... từ đó có thể củng cố, phát triển ứng dụng các công nghệ dự báo, cảnh báo hiểm họa về thiên tai, hướng tới tương lai bền vững cho Việt Nam và thế giới.

Quang cảnh hội thảo khoa học quốc tế GIS-IDEAS 2023

GS. Venkatesh Raghavan, đại diện Đại học Thủ đô Osaka mong muốn hội thảo khoa học lần này có thể mang đến những đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và tìm ra được cách tốt nhất để thực hiện công tác ứng phó với hiểm họa thiên tai đang diễn ra ngày một phức tạp hiện nay.

Theo TS. Nghiêm Vũ Khải, người sáng lập GIS-IDEAS, GIS 2023 được tổ chức tại trường Đại học TN&MT Hà Nội với kỳ vọng mang lại nhiều giải pháp bảo vệ môi trường, khí hậu và trái đất hiện nay, hỗ trợ phát triển đội ngũ nhân lực tri thức hùng hậu để thực hiện những nghiên cứu khoa học quan trọng trong bối cảnh mới.

Trong hội thảo, các diễn giả, nhà khoa học, nhà nghiên cứu cần chỉ rõ, xác định những thông tin cần thiết trong nghiên cứu của mình để có thể tạo nên hiệu ứng lan tỏa rộng hơn nữa nhằm giải quyết vấn đề lớn về biến đổi khí hậu, thiên tai nguy hiểm...

Cụ thể, hội thảo được chia thành các phiên thảo luận với từng chủ đề khác nhau như: GIS phục vụ phân tích, quy hoạch và quản lý không gian; công nghệ tích hợp và AI: dự đoán và cảnh báo các mối nguy hiểm tự nhiên và bảo vệ môi trường; GIS và viễn thám cho môi trường chuyên ngành: đất, nước, không khí…

Ngoài ra, sự kiện còn có hoạt động tham luận trên áp phích về công nghệ dự báo, cảnh báo hiểm họa thiên tai, bảo vệ môi trường đến từ các nhà khoa học, qua đó các đại biểu cùng thảo luận, trao đổi nhiều vấn đề liên quan.

Lâm Bảo (T/H)