Khuyến khích ngư dân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học biển

Thứ ba, 7/11/2023 | 12:39 GMT+7
Ngày 6/11, hội thảo Thúc đẩy sự tham gia cộng đồng ngư dân trong công tác nghiên cứu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học biển diễn ra tại Đà Nẵng với sự tham gia của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, thành phố Đà Nẵng, Trung tâm Xây dựng và thúc đẩy phát triển bền vững (BUS)...

Các đại biểu tham gia hội thảo đã chia sẻ về hiện trạng đa dạng sinh học biển vùng Nam Trung Bộ, trong đó có Đà Nẵng; một số vấn đề liên quan đến nghiên cứu, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học.

Cụ thể, hiện nay, số lượng các nghiên cứu về điều tra tổng quan hiện trạng đa dạng sinh vật vùng ven biển Đà Nẵng vẫn còn hạn chế; cơ sở dữ liệu đa dạng sinh vật vùng ven biển Đà Nẵng ghi nhận hiện nay đã khá cũ; khu vực nghiên cứu mang tính cục bộ, dữ liệu nằm rải rác trong nhiều báo cáo khác nhau, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý và hỗ trợ đưa ra quyết định cho chính quyền địa phương.

Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học biển hiện đòi hỏi nhiều thời gian điều tra, khảo sát dài, có tính liên tục và chi phí thực hiện cao, trong khi thành phố Đà Nẵng có nguồn nhân lực, ngân sách phục vụ hoạt động điều tra, khảo sát tài nguyên sinh vật biển còn rất hạn chế.

Hội thảo là dịp để giúp các địa phương có những định hướng sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực ngư dân - nguồn lực hỗ trợ hiệu quả trong việc thu thập dữ liệu đa dạng sinh vật, có thể đóng góp tích cực trong việc cung cấp cơ sở dữ liệu quy mô rộng với chi phí tiết kiệm hơn so với các hình thức nghiên cứu khoa học truyền thống.

Khuyến khích ngư dân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học biển

Theo PGS. TS Hoàng Công Tín, Trưởng Khoa Môi trường, Đại học Khoa học – Đại học Huế, Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đòi hỏi các địa phương ven biển phải có những chính sách dựa trên công tác bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái ven biển. Để thực hiện, Việt Nam cần có dữ liệu nền và những công cụ tính toán hỗ trợ nhằm giúp cơ quan quản lý đưa ra những chiến lược, quy hoạch sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên vùng ven biển.

Trong bối cảnh nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động điều tra, khảo sát tài nguyên sinh vật biển rất hạn chế, việc tận dụng ngư dân là lực lượng hỗ trợ hiệu quả trong việc thu thập dữ liệu quy mô rộng với chi phí tiết kiệm hơn so với hình thức nghiên cứu khoa học truyền thống. Đây là một hình thức của mô hình “Khoa học công dân” thu hút công dân địa phương cùng tham gia nghiên cứu khoa học, giải quyết và ứng phó các vấn đề xã hội và môi trường dựa trên tinh thần tự nguyện.

Tại hội thảo, các đại biểu tham gia sự kiện cùng thảo luận, đề xuất những giải pháp với góc nhìn đa chiều từ các nhà quản lý, nhà khoa học, tổ chức và cộng đồng ngư dân về phát huy hiệu quả, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh vật.

Ông Lê Ngọc Thảo, Trưởng Ban thư ký Ban quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết, những ngư dân tham gia quy chế bảo tồn biển, tham gia vào hoạt động tuần tra, giám sát tài nguyên biển đã thực sự trở thành các “chuyên gia”, đủ khả năng tập huấn và chuyển giao công nghệ cho các khu bảo tồn, địa phương khác trên cả nước. Sự tham gia của cộng đồng giúp cho khu sinh quyển ngày càng phát triển nhưng không làm mất đi bản sắc của địa phương.

Thanh Tâm (T/H)