Văn hóa, du lịch

Phê duyệt Hiệp định về bảo hiểm xã hội giữa Việt Nam và Hàn Quốc

Thứ ba, 25/4/2023 | 11:00 GMT+7
Ngày 24/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP về việc phê duyệt Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Đại Hàn Dân quốc về bảo hiểm xã hội.

Theo nghị quyết, Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc về bảo hiểm xã hội đã ký ngày 14/12/2021 tại Hàn Quốc. Bộ Ngoại giao làm thủ tục đối ngoại, công bố và lưu chiểu hiệp định theo quy định của pháp luật. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các Bộ, cơ quan liên quan ký kết Thỏa thuận hành chính theo quy định tại Điều 13 của hiệp định và tổ chức triển khai hiệp định sau khi được Chính phủ phê duyệt.

Đây là hiệp định song phương đầu tiên của hai nước trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, cũng là hiệp định song phương đầu tiên về bảo hiểm xã hội của Việt Nam với một quốc gia khác. Văn kiện được ký kết trong bối cảnh Việt Nam và Hàn Quốc đã thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược, hợp tác giữa hai nước đang ngày càng phát triển trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực lao động việc làm.

Bảo đảm quyền lợi về bảo hiểm xã hội cho người lao động Việt Nam và Hàn Quốc khi làm việc tại hai nước

Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội giữa Việt Nam và Hàn Quốc nhằm tránh việc đóng hai lần bảo hiểm xã hội với người lao động; thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ được hai bên công nhận lẫn nhau. Hiệp định đóng góp tích cực vào việc bảo đảm an sinh xã hội, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động trong việc tiếp cận cơ hội việc làm.

Theo đó, thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội của người lao động là công dân Việt Nam và công dân Hàn Quốc sẽ được tính là tổng thời gian mà người lao động đó đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội ở Việt Nam và Hàn Quốc. Tổng thời gian này sẽ là căn cứ để Quỹ Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Quỹ Hưu trí quốc gia Hàn Quốc xét người lao động hưởng chế độ lương hưu.

Mức hưởng chế độ mà Quỹ Bảo hiểm xã hội của mỗi nước chi trả cho người lao động khi về hưu sẽ căn cứ vào thời gian và mức đóng mà người lao động đã đóng vào quỹ đó. Công thức tính được quy định theo luật pháp của mỗi nước.

Hiệp định được hai bên thống nhất với 5 phần (24 điều), trong đó quy định rõ phạm vi áp dụng sẽ liên quan tới chế độ hưu trí và tử tuất theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 của Việt Nam và Luật Hưu trí quốc gia của Hàn Quốc (Điều 2). Đối tượng áp dụng là người lao động Việt Nam và người lao động Hàn Quốc có thời gian làm việc tại hai nước và đang chịu sự điều chỉnh của pháp luật về bảo hiểm xã hội của hai nước (Điều 3).

Hiệp định cũng quy định nguyên tắc đối xử bình đẳng, cụ thể là công dân của một bên khi làm việc trên lãnh thổ của bên kia thì được đối xử bình đẳng như công dân của nước sở tại trong việc xác định các điều kiện đóng, hưởng, chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội (Điều 4). Cách tính thời gian làm căn cứ để xác định chế độ hưu trí đối với người lao động là tính tổng thời gian mà người lao động đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội ở cả hai nước (cộng dồn) và cách tính các chế độ bảo hiểm là căn cứ theo luật pháp của mỗi nước (Điều 10).

Hàn Quốc là một trong những thị trường lao động hàng đầu tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam cũng là nước phái cử đông lao động tới quốc gia này bởi thị trường ổn định, có thu nhập cao. Riêng trong năm 2022, có gần 10.000 lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc.

Hợp tác lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc chính thức bắt đầu từ năm 1993 thông qua chương trình hợp tác cung ứng và sử dụng lao động. Hai bên đã thiết lập quan hệ đối tác trung, dài hạn và tiếp tục mở rộng các hoạt động hợp tác toàn diện trong lĩnh vực lao động, việc làm và an sinh xã hội.

Phương An