Năng lượng tái tạo

Quan tâm phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo tại TPHCM

Thứ năm, 23/2/2023 | 11:02 GMT+7
Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM vừa giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016 – 2021” đối với các sở, ban ngành và quận, huyện.

Báo cáo với đoàn giám sát, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM Nguyễn Thị Kim Ngọc cho biết, Quy hoạch phát triển điện lực thành phố giai đoạn 2016 – 2025, có xét đến đến năm 2035 được xây dựng và ban hành kịp thời làm cơ sở cho ngành điện đầu tư xây dựng hạ tầng lưới điện giúp thành phố luôn đảm bảo cung cấp đủ năng lượng, đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Đối với năng lượng điện từ đốt rác phát điện, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc cho biết, trong thời gian qua, TPHCM đã kêu gọi đầu tư xử lý rác bằng công nghệ đốt rác phát điện với mong muốn có những nhà máy xử lý rác thông minh, vừa xử lý rác vừa tạo năng lượng an toàn cho môi trường.

Riêng về năng lượng điện gió, theo Quy hoạch phát triển điện lực thành phố, huyện Cần Giờ có giá trị tốc độ gió trung bình tương đối cao và cũng là khu vực có tiềm năng gió của TPHCM với tiềm năng lắp đặt có thể đạt đến 55MW đối với điện gió trên bờ. Tuy nhiên, do hạn chế về quỹ đất, quy hoạch định hướng sẽ nghiên cứu phát triển điện gió tại TPHCM (bao gồm điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi) vào giai đoạn sau năm 2025. Hiện nay đang có 2 nhà đầu tư đề xuất UBND TPHCM cho phép khảo sát để đề xuất dự án điện gió tại vùng biển ngoài khơi huyện Cần Giờ…

Quang cảnh buổi làm việc

Nêu kiến nghị với Quốc hội, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc kiến nghị cần sửa đổi, hoàn thiện các luật chuyên ngành về điện lực, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các luật khác liên quan đến ngành năng lượng để làm cơ sở thực hiện hiệu quả hơn cơ chế thị trường bán buôn, bán lẻ điện cạnh tranh. Nghiên cứu, xây dựng và ban hành luật về năng lượng tái tạo…

Đối với Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM kiến nghị sớm phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời sớm nghiên cứu có cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích khai thác năng lượng mặt trời mái nhà nhằm phát huy tiềm năng về điện mặt trời trên địa bàn TPHCM.

Cũng tại buổi giám sát, Phó Phòng Pháp chế Sở Giao thông vận tải TPHCM Trần Quang Triệu cho biết, giai đoạn 2016 - 2021, định hướng phát triển vận tải hành khách công cộng sử dụng nhiên liệu sạch tại TPHCM đã được UBND thành phố phê duyệt theo Quyết định số 3998/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn thành phố… Hiện nay, TPHCM có 2.184 phương tiện xe buýt hoạt động trên 126 tuyến xe buýt, trong đó có 496 xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG, 22 xe buýt điện.

Trong giai đoạn 2022 – 2030, TPHCM phát triển hạ tầng sạc điện đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Từ năm 2030, thành phố phấn đấu tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh và đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2050, thành phố hoàn thiện hạ tầng sạc điện, cung cấp năng lượng xanh trên phạm vi toàn quốc đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp…

Ghi nhận và đánh giá cao các đơn vị đã triển khai và thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016 – 2021, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH TPHCM Hà Phước Thắng đề nghị các quận, huyện và Sở ngành, đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trên địa bàn TPHCM. 

Bên cạnh đó, quan tâm đến phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; phát triển hệ thống quản lý và xử lý chất thải trong sản xuất năng lượng với công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện kinh tế của thành phố…

Nhã Quyên (t/h)