Quảng Ninh khuyến khích người dân phát triển lâm nghiệp bền vững

Thứ năm, 18/7/2024 | 17:49 GMT+7
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nghị quyết về lâm nghiệp, với nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân phát triển lâm nghiệp bền vững.

Tỉnh Quảng Ninh có trên 370.000ha đất có rừng, diện tích rừng đứng thứ 18/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tỷ lệ che phủ rừng đạt 55%. Nhiều năm qua, rừng không chỉ tạo sinh kế cho người dân mà còn đóng vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Do đó, việc ban hành chính sách khuyến khích người dân phát triển lâm nghiệp bền vững là rất quan trọng để đảm bảo phạm vi, đối tượng, có chính sách đủ mạnh, tạo bước đột phá trong phát triển rừng gỗ lớn và các loài cây dưới tán rừng. Từ đó, nâng cao đời sống cho người dân tham gia trồng rừng.

Quảng Ninh khuyến khích người dân phát triển lâm nghiệp bền vững

Nghị quyết mới về phát triển lâm nghiệp bền vững vừa được HĐND tỉnh Quảng Ninh thông qua sẽ tạo thêm động lực để người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa, góp phần thực hiện mục tiêu thị trường tín chỉ carbon, cũng như mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng rừng.

Cụ thể, nghị quyết mới có một số điểm thay đổi so với Nghị quyết 337 như mở rộng phạm vi áp dụng trên toàn tỉnh; mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách, từ chỉ hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân thành hỗ trợ đối với tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, nhóm hộ, hộ gia đình, cá nhân.

Nâng mức hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn từ chỉ hỗ trợ kinh phí mua cây giống với mức 15 triệu đồng/ha thành hỗ trợ kinh phí mua cây giống và công chăm sóc với mức 20 triệu đồng/ha (không áp dụng đối với cây quế); đồng thời nâng mức hỗ trợ vay vốn ngân hàng chính sách xã hội từ 20 triệu đồng/ha lên thành 30 triệu đồng/ha.

Bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế dưới tán rừng, trong đó hỗ trợ cho các hộ gia đình, cá nhân đã tham gia chính sách trồng rừng gỗ lớn với mức 10 triệu đồng/ha diện tích rừng trồng gỗ lớn để trồng cây lâm sản ngoài gỗ, chăn nuôi gia súc, gia cầm (bao gồm gà, vịt, dê).

Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh tiếp tục làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai nhiều giải pháp giúp hộ gia đình, cá nhân tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ theo đúng quy định.

Các địa phương cần tăng cường giao đất, giao rừng, trồng rừng thay thế, trồng rừng sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao giá trị rừng, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp, từ đó nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân.

Mộc Trà