Quy định danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ tại Long An

Thứ sáu, 5/7/2024 | 10:31 GMT+7
Mới đây, UBND tỉnh Long An đã ban hành Quyết định phê duyệt Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh.

Danh mục gồm 71 sông, kênh, rạch phải lập hành lang bảo vệ nguồn nước và 12 ao, hồ, nguồn nước trong khu bảo tồn. Trong đó, huyện Tân Thạnh có số lượng nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ nhiều nhất với 12 đoạn tuyến kênh. Các con sông lớn trên địa bàn tỉnh như Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, Cái Cỏ, Nhựt Tảo, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước... đều có nhiều đoạn dài nằm trong danh mục.

Mỗi bờ phải và bờ trái các đoạn tuyến sông, kênh, rạch trong danh mục sẽ được lập hành lang bảo vệ từ 3 - 25m. Riêng bờ phải của rạch Láng Cát thuộc địa bàn xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa có hành lang bảo vệ lên đến 700m. Phần lớn các hành lang bảo vệ này sẽ trùng với hệ thống công trình thủy lợi.

Đối với nguồn nước trong các khu bảo tồn đa dạng sinh học dược liệu Đồng Tháp Mười, khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, khu bảo tồn làng nổi Tân Lập có hành lang bảo vệ đến 30m và diện tích bảo vệ toàn bộ khu. 10 ao còn lại sẽ có hành lang bảo vệ từ 10 - 15m.

Ảnh minh họa

Hành lang bảo vệ nguồn nước có chức năng bảo vệ sự ổn định của bờ, phòng, chống lấn chiếm đất ven nguồn nước, các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước. Đồng thời, bảo vệ, bảo tồn và phát triển hệ sinh thái thủy sinh, các loài động, thực vật tự nhiên ven nguồn nước cũng như tạo không gian cho các hoạt động văn hóa liên quan đến nguồn nước.

UBND tỉnh Long An giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thông báo tới UBND các huyện, thị xã, thành phố niêm yết danh mục công khai tại trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn nơi có nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ. Hàng năm, căn cứ vào danh mục, Sở TN&MT Long An phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn; đồng thời, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về lập và quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định.

Các Sở, ngành có liên quan tổ chức chỉ đạo việc cắm mốc, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước thuộc hệ thống công trình thủy lợi theo quy định; giám sát hoạt động xây dựng kho bãi, bến cảng, cầu, phà, đường giao thông, công trình ngầm và công trình kết cấu hạ tầng khác trong phạm vi bảo vệ hành lang nguồn nước. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện biện pháp quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; tổ chức tuyên truyền, phổ biến về quy định quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước; chịu trách nhiệm khi để xảy ra việc lấn, chiếm, sử dụng trái phép phần đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước; phối hợp với Sở TN&MT Long An trong việc rà soát, điều chỉnh danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ; xây dựng phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch, hồ tự nhiên, hồ nhân tạo ở đô thị, khu dân cư tập trung và các nguồn nước khác.

Riêng với tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sinh sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước phải bảo đảm các yêu cầu: không được gây sạt lở bờ sông, kênh, rạch, hồ chứa hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng, uy hiếp đến sự ổn định, an toàn của sông, kênh, rạch, hồ chứa; không làm ảnh hưởng đến chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; không gây ảnh hưởng xấu đến cảnh quan, môi trường sinh thái trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước; thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên nước theo quy định của pháp luật.

Thanh Bảo