Trong nước

Quy định mới về vận động từ thiện

Thứ sáu, 29/10/2021 | 10:00 GMT+7
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Nghị định nêu rõ, việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện phải tuân thủ theo các nguyên tắc: khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp tự nguyện và tổ chức vận động đóng góp tự nguyện; phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, nhanh chóng hỗ trợ người dân chịu thiệt hại bởi thiên tai, dịch bệnh, sự cố hoặc người dân mắc bệnh hiểm nghèo sớm ổn định cuộc sống, sinh hoạt, khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Vận động đóng góp để hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố khi có thiên tai, dịch bệnh, sự cố gây ra thiệt hại về người, tài sản hoặc ảnh hưởng đến đời sống nhân dân; vận động đóng góp để hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo thực hiện theo từng trường hợp cụ thể.

Vận động đóng góp phải đảm bảo kịp thời và được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện; các tổ chức, cá nhân không được phép đặt ra mức tối thiểu để yêu cầu phải đóng góp; các khoản đóng góp tự nguyện phải từ thu nhập, tài sản hợp pháp của các tổ chức, cá nhân thực hiện đóng góp.

Tiếp nhận, phân phối và sử dụng tiền, hiện vật đóng góp để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố và hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đảm bảo kịp thời, hiệu quả, công bằng, công khai, đúng mục đích, đối tượng; có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan, Bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân có liên quan.

Kinh phí phục vụ cho hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về ngân sách nhà nước và quy định tại Nghị định này.

Việc vận động hỗ trợ và triển khai hỗ trợ người gặp khó khăn phải đảm bảo theo nguyên tắc đã được quy định trong Nghị định

Cụ thể hơn, theo Nghị định, khi thiên tai, dịch bệnh, sự cố xảy ra gây thiệt hại về người, tài sản hoặc ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân, tùy theo mức độ, phạm vi thiệt hại, các tổ chức sẽ kêu gọi, vận động đóng góp tự nguyện. Trong đó, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hoặc Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp tự nguyện để hỗ trợ nhân dân và các địa phương bị thiệt hại; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam kêu gọi, vận động tổ chức chữ thập đỏ trong nước và ngoài nước ủng hộ theo quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động Chữ thập đỏ; các cơ quan thông tin đại chúng hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố theo quy định của pháp luật; các quỹ từ thiện kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố xảy ra trên địa bàn thuộc phạm vi hoạt động.

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai cũng có thể kêu gọi, vận động nguồn đóng góp tự nguyện từ quốc tế trong các tình huống khẩn cấp về thiên tai. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, huyện kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố.

Các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có tư cách pháp nhân có thể kêu gọi, vận động đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố, nhưng phải có thông báo trên trang thông tin điện tử hoặc các phương tiện thông tin truyền thông cam kết về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, đối tượng hỗ trợ, thời gian thực hiện hỗ trợ và gửi bằng văn bản đến UBND cấp xã nơi đặt trụ sở chính.

Về tiếp nhận, quản lý tiền đóng góp tự nguyện, các tổ chức, cơ quan, đơn vị phải mở một tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong thời gian tiếp nhận. Trường hợp đóng góp bằng hình thức cung cấp dịch vụ, hiện vật như miễn phí hoặc giảm giá một số dịch vụ để hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố, Ban Vận động các cấp sẽ thông báo việc cung cấp dịch vụ tới các tổ chức, cá nhân gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố.

Thời gian phân phối được thực hiện ngay trong quá trình vận động, tiếp nhận và kết thúc chậm nhất không quá 20 ngày (trừ trường hợp thực hiện theo cam kết với tổ chức, cá nhân đóng góp), kể từ ngày kết thúc thời gian tiếp nhận.

Về nội dung chi, đối với nguồn đóng góp tự nguyện không có điều kiện, địa chỉ cụ thể sẽ được chi để hỗ trợ, giúp đỡ các hoàn cảnh đang gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố và bệnh hiểm nghèo. Trường hợp khoản đóng góp tự nguyện có địa chỉ cụ thể thì tổ chức, cá nhân đóng góp có trách nhiệm thống nhất với chính quyền địa phương để thực hiện việc hỗ trợ. Đặc biệt, sau khi đã ưu tiên sử dụng theo các nội dung chi mà kinh phí vận động đóng góp tự nguyện còn dư, UBND sẽ thống nhất với Ban Vận động cùng cấp để quyết định thực hiện các chính sách an sinh xã hội tại các địa phương vùng bị thiên tai, dịch bệnh đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và mục tiêu của cuộc vận động.

Thanh Tâm