Tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở TN&MT TPHCM Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết, ngoài khối lượng chất thải rắn có khả năng tái chế sử dụng thông qua cơ chế thị trường, mỗi ngày, TPHCM phát sinh khoảng 9.700 tấn CTRSH, 100% được thu gom, vận chuyển về các nhà máy xử lý tập trung của thành phố.
Hiện nay, khối lượng CTRSH được xử lý bằng công nghệ đốt, sản xuất phân compost, tái chế chiếm tỷ lệ 35%, còn lại 67% được chôn lấp hợp vệ sinh. Thành phố đang đẩy mạnh thực hiện các dự án chuyển đổi công nghệ nhà máy xử lý chất thải hiện hữu, kêu gọi đầu tư những dự án mới nhằm hoàn thành mục tiêu xử lý bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế đạt ít nhất 80% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030.
TPHCM thực hiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn
Về công tác phân loại, thành phố thực hiện phân loại thành 2 nhóm: nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm chất thải còn lại. Thực hiện theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, thành phố tiến hành xây dựng và hoàn thiện nội dung Đề án Phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn, chia thành 3 nhóm: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.
Trong đó, đối với chất thải thực phẩm, thành phố sẽ ưu tiên phân loại, thu gom thức ăn thừa và thực phẩm hết hạn sử dụng tại hệ thống nhà hàng, khách sạn chuyển về nhà máy xử lý rác thải Vietstar để sản xuất phân compost.
Về công tác nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, đối với phế liệu nhập khẩu về TPHCM trước năm 2018, thành phố đã tiêu hủy 682 container không đủ tiêu chuẩn, còn 410 container đủ điều kiện nhập khẩu chờ thẩm định giá bán đấu giá, 210 container tiếp tục được giám định để có hướng xử lý.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ thông tin thêm, TPHCM cũng đang có những bước chuẩn bị về điều kiện cần thiết để đảm bảo tính đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường từ phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH. Trong đó, đã tổ chức, sắp xếp lại lực lượng thu gom rác dân lập. Đến nay, thành phố Thủ Đức và 20/21 quận, huyện đã hoàn thành việc chuyển đổi lực lượng thu gom rác dân lập thành các hợp tác xã hoặc công ty/doanh nghiệp có tư cách pháp nhân. Đồng thời đã rà soát, chuyển đổi 1.897 phương tiện thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, bao gồm 956 thùng 660L và 941 xe ô tô chở rác.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ kiến nghị Bộ TN&MT phối hợp với Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định mẫu các phương tiện thu gom CTRSH đạt chuẩn, bao gồm các phương tiện phù hợp cho việc thu gom các hẻm, ngõ sâu, dài. Hỗ trợ, có ý kiến với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương về việc ưu tiên tăng quy mô nguồn điện rác của TPHCM từ 123 MW lên tối thiểu 240 MW nhằm phù hợp với hiện trạng triển khai các dự án nhà máy xử lý rác theo công nghệ đốt phát điện của thành phố.
Tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT) Hoàng Văn Thức ghi nhận nỗ lực cố gắng của TPHCM trong công tác bảo vệ môi trường nói chung và quản lý CTRSH nói riêng. Bên cạnh đó lưu ý TPHCM cần tổ chức thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn phù hợp với tình hình thực tế và công nghệ xử lý rác đang triển khai.
Mặt khác, TPHCM cần sớm thiện Đồ án Quy hoạch chất thải rắn; tập trung công tác tuyên truyền cho các doanh nghiệp, người dân, cơ quan nhà nước về ý nghĩa việc thực hiện phân loại rác tại nguồn…