TPHCM: Ngăn chặn ô nhiễm môi trường các kênh, rạch

Thứ sáu, 14/1/2022 | 15:00 GMT+7
Do bị ô nhiễm, nhiều tuyến kênh, rạch trên địa bàn TPHCM đánh mất vai trò lợi thế phục vụ giao thông thủy, tiêu thoát nước và điều hòa hệ sinh thái.

Do đó, trong khi các dự án cải tạo kênh, rạch vẫn chưa thể sớm triển khai đồng bộ, nhiều giải pháp cấp bách đã được thành phố triển khai để trả lại màu xanh cho những dòng kênh, cải tạo mỹ quan đô thị.

TPHCM hiện có khoảng 2.000 km kênh, rạch, trong đó nhiều tuyến kênh, rạch đang bị ô nhiễm bởi rác thải, lục bình, cỏ dại phát triển gây hạn chế dòng chảy, ảnh hưởng trực tiếp đến các phương tiện lưu thông trên tuyến, gia tăng ô nhiễm khu vực nội thành và tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Những tuyến kênh, rạch như: rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh), kênh Hy Vọng (quận Tân Bình), kênh Tham Lương (quận 12, Gò Vấp, Tân Bình)... trở thành nỗi ám ảnh cho người dân do tình trạng ô nhiễm kéo dài chưa được xử lý dứt điểm.

Để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền nhắc nhở người dân trong việc không xả rác xuống kênh, rạch theo tinh thần Chỉ thị 19-CT/TU của Ban Thường vụ TPHCM về cuộc vận động "Người dân không xả rác ra đường và kênh, rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước". Công tác này được triển khai sâu rộng và thường xuyên tại các quận, huyện, thành phố và xuống tận các phường, xã, khu phố.

Phó Chủ tịch UBND phường 13, quận Gò Vấp Lê Đình Quang cho biết: "Từ năm 2018 đến nay, UBND phường cùng với người dân đã thực hiện nhiều chương trình chỉnh trang đô thị, cải tạo tuyến kênh, rạch. Trong đó, có việc vận động người dân cùng chính quyền bê tông hóa, trồng hoa, cây cảnh và lắp đèn đường được 50% số tuyến đường dọc kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên dài 2,2 km đi qua địa bàn phường. Dự án này vẫn tiếp tục được hoàn thiện để cải tạo dòng kênh từng ô nhiễm nặng. Song song đó, chính quyền cũng tăng cường giám sát, xử phạt nghiêm những trường hợp xả rác ra kênh, rạch nên tình trạng này giờ đây đã giảm nhiều. Từ hiệu quả cải tạo cảnh quan, người dân cũng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường kênh, rạch nơi mình sinh sống".

Ngoài ra, để giữ được mầu xanh trên các kênh, rạch huyết mạch đã được cải tạo, thành phố còn bố trí lực lượng, phương tiện thu gom, vớt hàng chục tấn rác mỗi ngày. Theo ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, mỗi ngày công ty bố trí lực lượng công nhân vớt khoảng 10 tấn rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè; cứ hai ngày một lần, công nhân vớt khoảng năm tấn rác trên kênh Tân Hóa - Lò Gốm; trong đó, có cả lục bình và rác thải sinh hoạt. Việc xử lý rác trên các kênh, rạch là việc làm thường xuyên, liên tục để giữ cho môi trường trong sạch, ngăn chặn tình trạng tái ô nhiễm môi trường trên các dòng kênh huyết mạch trên địa bàn thành phố, giúp thành phố phát triển tuyến du lịch đường sông.

TP HCM ngăn chặn ô nhiễm môi trường các kênh, rạch

Trong bối cảnh các dự án cải tạo kênh, rạch huyết mạch bị ô nhiễm nghiêm trọng chưa thể sớm triển khai do tắc vốn đầu tư và khâu giải phóng mặt bằng, UBND TP đề ra phương án vớt, thu gom chất thải rắn trên sông, kênh, rạch sử dụng công nghệ mới để xóa bỏ những "điểm đen" ô nhiễm.

Trong đó, thành phố triển khai thí điểm công tác vớt, thu gom chất thải rắn trên sông Vàm Thuật, quận Gò Vấp từ tháng 4/2021 đến tháng 12/2021. Đây là khu vực ô nhiễm nhiều năm do lục bình và rác thải ứ đọng gây tắc nghẽn dòng chảy. Triển khai chương trình này, Trung tâm Quản lý đường thủy (thuộc Sở Giao thông vận tải) phối hợp Công ty CP Công trình Giao thông Sài Gòn đã cho vận hành thiết bị công nghệ mới trong việc thu gom rác trên sông Vàm Thuật.

Hệ thống vớt rác trên sông đang được thử nghiệm được đầu tư hơn 20 tỷ đồng gồm năm thiết bị: sà-lan có khoang chứa rác lớn; cẩu gắp rác lớn nằm trên sà-lan giúp xử lý các khối rác hai bên bờ. Ở giữa sông là một tàu có băng tải lớn có ngàm xòe ra hai bên để vớt rác được giúp sức bởi hai tàu vớt rác nhỏ, chuyên đi thu gom rác trôi nổi. Theo thiết kế, mỗi ngày thiết bị thu gom này vớt được từ 35 - 40 tấn rác.

Vừa qua, Trung tâm Quản lý đường thủy đã tổ chức kiểm tra thực tế hiện trường, đánh giá và lấy ý kiến của người dân trong khu vực triển khai thí điểm dự án thu gom chất thải rắn trên tuyến sông Vàm Thuật - Trường Đai - Tham Lương. Theo đánh giá của đoàn kiểm tra, việc thực hiện phương án vớt, thu gom chất thải rắn trên sông, kênh, rạch sử dụng công nghệ mới đã đạt hiệu quả nhất định. Nhờ đó, tuyến sông được làm sạch, giảm tắc nghẽn dòng chảy, hạn chế phát sinh ruồi, muỗi, mùi hôi do ô nhiễm ứ đọng lâu, tạo môi trường sống trong lành cho người dân trong khu vực. Sau khi đánh giá hiệu quả thí điểm, Trung tâm Quản lý đường thủy sẽ kiến nghị thành phố nhân rộng mô hình này trên nhiều tuyến kênh, rạch khác.

Ông Lê Đình Quang cho biết: "Sau khi cải tạo tuyến sông Vàm Thuật, chất lượng nước khu vực này được cải thiện rõ rệt, không còn ứ đọng rác và lục bình, dòng nước được khơi thông xuyên suốt giúp các phương tiện thủy lưu thông dễ dàng. Kết quả này mở ra giải pháp xử lý tình trạng ô nhiễm phổ biến hiện nay trên các kênh, rạch. Chính quyền và người dân địa phương rất mong muốn thành phố tiếp tục duy trì công tác thu gom, vớt rác, lục bình trên tuyến sông, kênh, rạch này để nâng cao chất lượng sống cho người dân".

Theo nhandan.vn