Phát triển mạng cấp nước sạch Hà Nội đến năm 2025

Thứ tư, 29/12/2021 | 12:01 GMT+7
Ngày 28/12, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch 311/KH-UBND về việc hoàn thành các dự án phát triển nguồn tập trung và các dự án phát triển mạng cấp nước sạch trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025.

Theo kế hoạch, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ dân cư đô thị trung tâm được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 100% với tiêu chuẩn dùng nước 125 - 160 lít/người/ngày; tỷ lệ dân cư đô thị vệ tinh được sử dụng nước sạch đạt 100% với 100 - 125 lít/người/ngày; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 98 - 100%, với 105 - 110 lít/người/ngày.

Thành phố cũng phấn đấu giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch xuống dưới 15%. Nâng tổng công suất khai thác của các nhà máy nước tập trung đạt 1,8 - 2 triệu m3/ngày đêm; trong đó xác định cụ thể các dự án hoàn thành trong năm 2021 và trong giai đoạn 2022 - 2025.

Phát triển mạng cấp nước sạch trên địa bàn thành phố

Để đạt được mục tiêu trên, kế hoạch nêu rõ, thành phố Hà Nội xác định các danh mục dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 theo định hướng điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô; đồng thời huy động và tập trung các nguồn lực cho phát triển hệ thống nước sạch trên địa bàn thành phố, đặc biệt là mở rộng cấp nước cho khu vực nông thôn.

Chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Nhà máy nước mặt sông Hồng công suất 300.000m3/ngày đêm; xây dựng hệ thống cấp nước Xuân Mai công suất 200.000m3/ngày đêm (lấy nguồn cấp từ nước mặt sông Đà đặt tại tỉnh Hòa Bình); nghiên cứu dự án đầu tư xây dựng nâng công suất Nhà máy nước mặt sông Đuống lên 450.000m3/ngày đêm... Đồng thời, đầu tư hệ thống mạng vòng kết nối các nguồn cấp, xây dựng hệ thống mạng phân phối, dịch vụ.

Thành phố cũng triển khai thực hiện lộ trình giảm dần khai thác nước ngầm, tăng cường sử dụng nguồn nước mặt, với yêu cầu giảm công suất các nguồn nước ngầm từ 750.000m3/ngày đêm xuống 615.000m3/ngày đêm.

Thông qua Kế hoạch, UBND thành phố Hà Nội kỳ vọng sẽ từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước; từng bước hiện đại hóa, nâng cao năng lực sản xuất, quản lý hệ thống nước sạch; điều chỉnh, bổ sung công nghệ xử lý nước hiện đại trên địa bàn.

Lâm Bảo