Công nghệ Giao thông

TPHCM: Xây dựng cơ sở dữ liệu giao thông để góp phần quản lý đô thị thông minh

Thứ sáu, 18/10/2024 | 15:43 GMT+7
Ngày 18/10, tại TPHCM, trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM phối hợp cùng Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM tổ chức hội nghị chia sẻ kinh nghiệm về Hệ thống cơ sở dữ liệu và khung kiến trúc dữ liệu ngành GTVT TPHCM.

Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Phạm Trần Vũ, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM nhận định, TPHCM đang không ngừng phát triển với vai trò là đô thị lớn nhất cả nước, là đầu tàu kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ của khu vực. Điều này đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với hệ thống GTVT.

Để đáp ứng nhu cầu này, việc xây dựng và phát triển một cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác, được cập nhật, bổ sung liên tục để phục vụ việc điều hành hệ thống giao thông đô thị thông minh, hiệu quả... là vô cùng cần thiết.

Theo PGS.TS Phạm Trần Vũ, việc tạo lập, hình thành cơ sở dữ liệu ngành GTVT đã được Bộ GTVT, UBND TPHCM xác định là nhiệm vụ then chốt, mang ý nghĩa chiến lược trong công cuộc thúc đẩy công tác chuyển đổi số. Theo đó, tập trung vào mục tiêu hình thành, hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng dữ liệu ngành GTVT, trong đó có cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung được kết nối, nguồn dữ liệu được cập nhật thường xuyên, đầy đủ và chính xác, có đủ tính pháp lý để khai thác sử dụng trong các hoạt động quản lý, điều hành và phát triển của ngành, góp phần xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh.

Ảnh minh họa

Ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ GTVT) chia sẻ, định hướng của chuyển đổi số trong ngành GTVT với mục tiêu đến năm 2025 hình thành được cơ sở hạ tầng dữ liệu của ngành GTVT. Trong đó, có cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung được kết nối tích hợp dữ liệu từ các hệ thống nghiệp vụ chuyên ngành nhằm cung cấp thông tin phục vụ quản lý, điều hành GTVT đầy đủ, kịp thời, chính xác cho người ra quyết định.

Ông Lê Thanh Tùng đưa ra khuyến nghị, cần tuân thủ kiến trúc dữ liệu ngành GTVT, trong đó, dữ liệu toàn quốc có tích hợp từ địa phương, kết nối dữ liệu dùng chung của Bộ GTVT để phục vụ nghiệp vụ tại địa phương. Sau bước tạo lập, các dữ liệu phải được hình thành từ các hệ thống công nghệ thông tin phục vụ nghiệp vụ quản lý. Dữ liệu hình thành đến đâu sử dụng đến đó, đẩy mạnh ứng dụng AI trong khai thác dữ liệu.

Riêng với TPHCM, cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ GTVT trong xây dựng: chiến lược tổng thể, kiến trúc tổng thể giao thông thông minh, phối hợp triển khai thí điểm sử dụng dữ liệu trong quản lý, điều hành giao thông (dữ liệu hệ thống cảng biển số; kết nối trung tâm điều hành giao thông đô thị với hệ thống ITS cao tốc…).

Ông Đoàn Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị, Sở GTVT TPHCM cho rằng, trên cơ sở hiện trạng dữ liệu ngành giao thông hiện nay, nhìn chung chúng ta đang có dữ liệu nhưng việc khai thác, chọn lọc và chuẩn hóa dữ liệu vẫn chưa được tập trung phát triển. Do đó, một số vấn đề cấp thiết đặt ra nhằm xây dựng trung tâm dữ liệu ngành giao thông như: công nghệ, khung kiến trúc tổng thể trung tâm dữ liệu theo kiến trúc hạ tầng số của Sở GTVT, đảm bảo phù hợp với kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ GTVT. Quy trình, mối quan hệ ràng buộc thông tin, phương thức chia sẻ dữ liệu quản lý các nghiệp vụ cơ bản trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Hướng dẫn kỹ thuật quy định cấu trúc thông tin, định dạng dữ liệu, giao thức chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống cơ sở dữ liệu từ các hệ thống thu thập dữ liệu cơ sở, trung tâm dữ liệu ngành đến cơ sở dữ liệu quốc gia.

Nhã Quyên (t/h)