Việc giảm phát thải của xe máy vô cùng cần thiết
Ngày 21/7, tại Hà Nội, báo Tiền Phong tổ chức tọa đàm "Chuyển đổi xe xăng sang xe điện: Để không ai bị bỏ lại phía sau".
Chia sẻ tại tọa đàm, PGS.TS. Hoàng Anh Lê, Trưởng Bộ môn Quản lý môi trường, Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu của các nhà khoa học Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và các nhà khoa học của Anh quốc cho thấy ô nhiễm không khí do phương tiện giao thông tại Hà Nội có sự phân hóa rõ rệt theo thời gian và loại hình phương tiện. Vào ban ngày, xe máy là nguồn phát thải chủ yếu; ban đêm, xe tải hạng nặng lại chiếm ưu thế. Lượng phát thải này cũng biến động theo mùa trong năm.
Đáng chú ý, xe máy – phương tiện phổ biến nhất, tiêu thụ nhiều năng lượng, phát thải trực tiếp qua ống xả mà không qua hệ thống xử lý khí thải dẫn đến mức độ ô nhiễm cao hơn so với ô tô. Trong khi đó, phần lớn ô tô hiện nay đều được trang bị hệ thống xử lý khí thải trước khi thải ra môi trường, giúp giảm bớt tác động đến chất lượng không khí.

Thành phố Hà Nội đang triển khai các giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi phương tiện giao thông xanh. (Ảnh minh họa)
Bên cạnh yếu tố phương tiện, tốc độ di chuyển thấp tại Hà Nội cũng là nguyên nhân làm gia tăng lượng phát thải. Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, tốc độ trung bình của các phương tiện chỉ vào khoảng 35 km/h, mức khiến phương tiện tiêu tốn nhiên liệu nhiều hơn và phát thải mạnh hơn.
Dựa trên bản đồ phát thải được xây dựng, khu vực vành đai 1 hiện có mật độ phát thải cao nhất do hệ thống giao thông dày đặc và nhiều điểm giao cắt. Trong khi đó, vành đai 2 và 3 dù có mức phát thải thấp hơn nhưng lại dễ khuếch tán ô nhiễm ra diện rộng do điều kiện không gian mở hơn.
Theo ông Nguyễn Đông Phong, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm khí thải xe cơ giới đường bộ, Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Xây dựng), việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong hoạt động giao thông vận tải đã được cụ thể hóa bằng chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ban hành ngày 12/7/2025. Trong đó, việc giảm phát thải của phương tiện giao thông đường bộ, nhất là giảm phát thải của xe máy vô cùng cần thiết do cả nước có số lượng xe máy rất lớn với gần 70 triệu xe, tập trung ở những khu vực đô thị đông dân cư.
Trong khi việc kiểm soát khí thải xe ô tô tham gia giao thông ở nước ta đã được thực hiện kể từ năm 2006 theo Quyết định số 249/2005/QĐ-TTg ngày 10/10/2005 thì toàn bộ hơn 70 triệu xe máy đang lưu thông tại Việt Nam lại chưa thực hiện việc kiểm soát khí thải, mặc dù quy chuẩn khí thải xe máy đã áp dụng với xe máy mới ra thị trường. Để giải quyết thực trạng vừa nêu, việc chuyển đổi xe máy chạy xăng sang sử dụng xe điện sẽ giúp giảm đáng kể lượng khí thải, góp phần cải thiện chất lượng không khí tại Hà Nội và bảo vệ môi trường.
Cần xây dựng lộ trình chuyển đổi minh bạch, nhân văn
Theo ông Phan Trường Thành, Trưởng Phòng Tài chính đầu tư, Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay, số xe máy ở Hà Nội ước lượng 6,9 triệu phương tiện, trong đó khoảng 95% là xe sử dụng xăng. Khi triển khai lộ trình chuyển đổi xe điện trong vành đai 1 sẽ có 9 phường bị tác động trong đó có 6 phường nằm trọn trong vành đai 1.
Theo điều tra sơ bộ, trong vành đai 1 có lượng dân cư ổn định khoảng 600.000 dân với tổng số xe máy tại chỗ khoảng 450.000 phương tiện. Tuy nhiên, đây mới chỉ là khảo sát sơ bộ số lượng cố định bên trong vành đai 1, chưa kể nhiều đối tượng đi từ bên ngoài vào vành đai này. Để thực hiện chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội sẽ triển khai theo lộ trình, kế hoạch cụ thể như: khảo sát dân cư, đánh giá số lượng phương tiện và nhu cầu sử dụng; hoàn thiện chính sách, pháp lý gắn với Luật Thủ đô và Đề án vùng phát thải thấp; đầu tư hạ tầng giao thông công cộng và trạm sạc; ban hành tiêu chuẩn khí thải, xây dựng cơ chế kiểm định với xe máy; tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, giúp người dân hiểu và ủng hộ.

Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ người dân chuyển đổi xe xăng sang xe điện
TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam nhận định, Hà Nội gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi xe xăng sang xe điện song bên cạnh đó cũng có rất nhiều cơ hội. Nhưng cơ hội đấy sẽ mãi là cơ hội nếu chúng ta không có kế hoạch đúng để có chính sách cụ thể.
Người dân rất cần những tuyên bố chi tiết về chính sách chuyển đổi của Hà Nội. Làm sao để người dân hiểu được việc chuyển đổi không quá nhiều khó khăn mà còn đem lại nhiều thuận lợi, tiện ích thông minh vào cuộc sống, từ đó thể hiện sự quyết tâm, cam kết của chính quyền Thủ đô để người dân hiểu được tất cả người dân không ai bị bỏ lại phía sau. Đây không chỉ là trách nhiệm của nhà nước, doanh nghiệp mà là của cả người dân, vì một Hà Nội sáng – xanh – sạch – đẹp.
PGS.TS. Nguyễn Đức Lượng, Trưởng khoa Kỹ thuật Môi trường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội chia sẻ, việc chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện không phải là vấn đề mới, nhiều quốc gia đã thực hiện từ hàng chục năm trước. Tuy nhiên, cách tiếp cận, đối tượng ưu tiên và lộ trình chuyển đổi sẽ khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội từng nước. Cụ thể, Hàn Quốc tích hợp trạm sạc vào quy hoạch đô thị thông minh, ưu đãi thuế và thúc đẩy các tập đoàn lớn phát triển xe điện. Nhật Bản miễn giảm thuế cho xe điện, khuyến khích sử dụng xe hybrid. Ấn Độ trợ giá mạnh cho xe hai bánh điện, tập trung vào nhóm giao hàng, công nghệ...
Từ những bài học trên, ông Nguyễn Đức Lượng cho rằng, Việt Nam cần xây dựng lộ trình minh bạch, công bố kế hoạch cụ thể, phối hợp giữa nhà nước – doanh nghiệp – người dân; cần đẩy mạnh truyền thông, tổ chức lái thử, hỗ trợ nhóm yếu thế và phát triển hạ tầng sạc, hệ thống đổi pin để đảm bảo tính khả thi.
PGS.TS. Hoàng Anh Lê, Trưởng Bộ môn Quản lý Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh, để thực hiện chuyển đổi hiệu quả, không chỉ cần các chính sách hành chính mà còn phải tính đến những yếu tố kỹ thuật và xã hội, đặc biệt là sự an toàn, thuận tiện trong sử dụng của người dân. Thay vì tập trung phát triển hạ tầng sạc điện tại từng hộ gia đình, ông đề xuất nên thúc đẩy mô hình đổi pin, trong đó các hãng sản xuất có thể điều chỉnh thiết kế pin sao cho việc thay pin diễn ra nhanh chóng và thuận tiện, tương tự như việc đổ xăng hiện nay.
Cùng với đó, cần tận dụng hệ thống cây xăng hiện hữu, phối hợp với các chủ sở hữu trạm xăng để chuyển đổi công năng thành điểm sạc hoặc đổi pin cho xe điện, góp phần giảm thiểu đầu tư hạ tầng mới và quản lý an toàn tốt hơn. Cuối cùng, cần phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, ngành trong công tác quy hoạch và phát triển đô thị.