Công nghệ Giao thông

TPHCM: Chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh để phát triển đô thị bền vững

Thứ năm, 22/8/2024 | 22:16 GMT+7
Ngày 22/8, HĐND TPHCM phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM (HIDS), trường Đại học Giao thông vận tải tổ chức hội thảo Chính sách và giải pháp về giao thông vận tải cho phát triển kinh tế xanh.

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TPHCM nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển đổi hệ thống giao thông đô thị để đáp ứng nhu cầu của người dân và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Hội thảo là dịp để đánh giá tiềm năng, khả năng chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch, hướng đến phát triển giao thông xanh, phát triển đô thị xanh và bền vững ở thành phố. Đồng thời, đưa ra đề xuất, giải pháp về phát triển giao thông xanh, nhằm góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Tại hội thảo, các đại biểu nhất trí cho rằng, hệ thống giao thông xanh hiệu quả không chỉ góp phần vào việc giảm thiểu ùn tắc giao thông mà còn đóng góp vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế xanh và bền vững.

Chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch, hướng đến phát triển giao thông xanh, phát triển đô thị bền vững ở TPHCM

Với vị trí trung tâm kinh tế, văn hóa và khoa học - công nghệ của cả nước, TPHCM đang phải đối mặt với nhiều thách thức của giao thông đô thị, sự gia tăng dân số, sự phát triển không ngừng của đô thị, đòi hỏi cấp thiết phải đưa ra những chính sách và giải pháp về giao thông vận tải xanh hướng tới một nền kinh tế xanh, phát triển bền vững.

Theo thống kê, đến cuối năm 2023, TPHCM có khoảng 10 triệu phương tiện giao thông, trong đó có hơn 7,6 triệu xe máy, 700.000 ô tô, hơn 2 triệu phương tiện của người dân khu vực khác di chuyển vào thành phố. Mỗi năm, thành phố phát thải khoảng 35 triệu tấn carbon, trong đó ngành công nghiệp là 20 triệu tấn và ngành giao thông vận tải khoảng 13 triệu tấn.

Theo chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020 - 2030, thành phố đưa ra mục tiêu đối với lĩnh vực giao thông vận tải là phải cắt giảm được 90% lượng chất ô nhiễm không khí tăng thêm vào năm 2030, dần tiến đến đạt mục tiêu phù hợp với Quyết định 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane của ngành giao thông vận tải.

Ông Nguyễn Ngọc Long, Hiệu trưởng trường Đại học Giao thông vận tải nhấn mạnh, việc đặt ra chính sách, chuyển đổi xanh cho lĩnh vực giao thông vận tải là hết sức cần thiết. Để phát triển TPHCM thành đô thị xanh thì ngành giao thông vận tải cũng phải đi trước một bước.

Theo ông Nguyễn Ngọc Long, muốn giảm phát thải từ giao thông, cần thiết phải phát triển giao thông công cộng xanh như đầu tư xe điện, xe buýt sạch; khuyến khích sử dụng giao thông công cộng hoặc ưu tiên hạ tầng cho phương tiện không gây ô nhiễm như xe đạp, đi bộ...

Các chuyên gia, học giả, doanh nghiệp, nhà đầu tư tham dự hội thảo đã tập trung giới thiệu những chính sách phát triển giao thông bền vững của các thành phố lớn trên thế giới, giải pháp chuyển đổi giao thông xanh; quy hoạch phát triển giao thông xanh tại thành phố. Bên cạnh đó là các giải pháp chuyển đổi xanh trong giao thông vận tải; ứng dụng công nghệ hiện đại để giảm thiểu khí thải, tiết kiệm năng lượng trong giao thông đô thị; vấn đề sử dụng xe điện trong giao thông đô thị; kinh nghiệm xây dựng chính sách hỗ trợ tài chính cho chuyển đổi giao thông vận tải xanh tại đô thị…

Đồng thời, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về thực trạng, đề xuất các chính sách, giải pháp về giao thông vận tải cho phát triển xanh tại TPHCM; tham quan khu trưng bày về chủ đề phát triển giao thông xanh và kinh tế xanh được giới thiệu bên lề hội thảo.

Nhã Quyên (t/h)