Quá trình thẩm định giá đất nhằm xác định số tiền sử dụng đất để các chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính là một trong những trở ngại khiến hàng chục nghìn hộ dân tại TPHCM bị treo sổ hồng thời gian qua.
Thông báo mới đây từ Văn phòng UBND TP HCM sau cuộc họp của lãnh đạo thành phố với các bên liên quan, đã nêu kết luận của Phó Chủ tịch UBND Võ Văn Hoan về phương hướng giải quyết điểm nghẽn này. Theo đó, các dự án xây dựng chung cư trên địa bàn TP HCM có thể chia thành 2 loại để đề xuất phương án xử lý.
Thứ nhất, trường hợp các dự án chung cư có tính chất biệt lập, chỉ có một số hạng mục công trình khép kín (bồn hoa, mảng xanh, hồ bơi, đường nội bộ...) thì toàn bộ diện tích đất dự án được xác định là đất ở để thu tiền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định.
Trường hợp thứ hai là các dự án có nhiều hạng mục phục vụ công cộng, ngoài diện tích đất xây dựng công trình chung cư, còn có các công trình tiện ích khác (khu thương mại, khu thể dục thể thao, công viên, trường học, bệnh viện... các trục đường chính kết nối với đường giao thông công cộng bên ngoài chung cư). Với loại này, diện tích đất xây dựng chung cư để thu tiền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận, được xác định theo cơ cấu sử dụng đất của dự án đã được phê duyệt theo quy hoạch và có thể chia thành 3 nhóm.
Bất động sản khu Đông TPHCM
Trong đó, nhóm 1 là đất xây dựng nhà ở và nhóm 2 là đất xây dựng công trình công cộng. Riêng nhóm 3 là đất xây dựng công trình giao thông hạ tầng kỹ thuật (cấp điện, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, viễn thông...) chủ đầu tư có trách nhiệm xây dựng hoàn thành để bàn giao cho nhà nước quản lý theo quy định. Đối với phần diện tích này sẽ không thu tiền sử dụng đất và không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Như vậy, với những tiêu chí mới này, các dự án chung cư tại TPHCM được kỳ vọng sẽ sớm tháo gỡ vướng mắc trong công tác thẩm định giá đất nhằm xác định nghĩa vụ tài chính của các chủ đầu tư. Từ đó sẽ đẩy nhanh tiến độ cấp sổ hồng cho các dự án chung cư.
Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan yêu cầu tập trung giải quyết các dự án trọng điểm có nhiều hộ dân và chủ đầu tư đang bức xúc trước.
Sở Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan thực hiện rà soát các dự án đã triển khai theo quy định cũ.
Với các dự án mới bắt đầu triển khai, ông Hoan giao Sở Tài nguyên và Môi trường hệ thống hóa đề xuất, trình thường trực UBND TPHCM để thống nhất chủ trương áp dụng.
Trước đó, theo dữ liệu cập nhật của HoREA về các dự án được phê duyệt trong các năm 2015 - 2019 cho thấy, ít nhất 27.709 căn nhà tại TPHCM thuộc 63 dự án bị treo sổ hồng và 88,4% số này có chủ đầu tư là 7 công ty bất động sản quy mô lớn. Thậm chí, theo cơ quan này, số lượng căn nhà bị chậm cấp sổ hồng còn lớn hơn nhiều lần nếu thống kê đầy đủ. Tình trạng này kéo dài nhiều năm, đã dẫn đến hàng loạt hệ lụy tiêu cực.