Văn hóa, du lịch

Tái hiện lễ hội, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam

Thứ ba, 8/2/2022 | 08:45 GMT+7
Trong không khí mừng Đảng, mừng xuân Nhâm Dần 2022, Ban quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2022.

Ngày hội dự kiến được tổ chức trong 2 ngày là 12 - 13/2, tại không gian của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Thông qua các hoạt động lễ hội, trình diễn theo phương châm “để chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình” bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc Việt Nam, chương trình góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, mang đến không khí vui tươi, phấn khởi nhân dịp Tết cổ truyền dân tộc.

Theo thông tin từ ban tổ chức, Ngày hội dự kiến bao gồm các hoạt động chính như: Lễ phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" xuân Nhâm Dần năm 2022; Lễ cắt băng khánh thành nhà truyền thống Nghệ An và nhà Rường truyền thống Quảng Nam, khu các làng dân tộc IV và trồng cây lưu niệm; tái hiện các lễ hội truyền thống của nhiều dân tộc nhân dịp đầu xuân năm mới Nhâm Dần 2022; lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt, nói chuyện và chúc Tết đồng bào các dân tộc tại Ngôi nhà chung, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Trong đó, điểm nhấn của Ngày hội năm nay là chương trình phục hồi, tái hiện, giới thiệu các lễ hội, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam. Hoạt động nhằm giúp mọi người dân, du khách hiểu thêm những giá trị, nét đẹp văn hóa, truyền thống của các dân tộc Việt Nam. Đồng thời nhằm biểu thị tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, thể hiện sự gắn kết cộng đồng, hỗ trợ nhau cùng phát triển, niềm tin chiến thắng đại dịch Covid-19 trong bối cảnh thích ứng linh hoạt, hiệu quả, an toàn.

Một trong những lễ hội đặc sắc sẽ được tái hiện tại Ngày hội là Lễ cúng tổ tiên của dân tộc Lô Lô tỉnh Hà Giang. Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô là di sản văn hóa phi vật thể thuộc loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2012. Để bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Lô Lô, Lễ cúng tổ tiên của dân tộc này sẽ được thực hành theo truyền thống tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Một nghi thức trong Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô

Đây là nghi lễ cổ truyền của người Lô Lô, thường được tổ chức hàng năm vào ngày 14/7 (Âm lịch) tại các gia đình trưởng họ. Nghi lễ được cả dòng họ chuẩn bị trước cả năm, bao gồm các lễ vật bắt buộc phải có để dâng cúng như: 1 con bò, 1 con lợn, 1 con gà, xôi, rượu, tiền vàng (phíu khí), đèn dầu, đôi trống đồng.

Khi có kế hoạch làm lễ, trưởng họ phải trực tiếp đi mời thầy cúng và cử một người đàn ông trong họ đi mượn trống đồng về để làm lễ. Sau đó, mời nghệ nhân đánh trống đồng tại nhà trong Lễ cúng tổ tiên, mời và nhờ người hóa trang thành người rừng, hay còn gọi là Ma cỏ (Ghà Lu Ngang) để múa nghi lễ. Những người hóa trang Ma cỏ sẽ cùng nhau đi tìm loại cỏ Su choeo trên núi Chun ta (núi Sống lưng). Đây là một loại cỏ dài, mềm, dai, để bện quanh người thành trang phục che kín khắp người. Khi hóa trang xong, Ma cỏ sẽ “nhảy lễ” cho đến khi kết thúc Lễ cúng tổ tiên.

Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô gồm 3 phần chính: Lễ hiến tế, Lễ tưởng nhớ và Lễ tiễn đưa tổ tiên. Lễ vật sau khi hiến tế tổ tiên được chế biến thành các món ăn và chia đều để cảm ơn những người đã giúp dòng họ làm lễ, như thầy cúng, người hóa trang Ma cỏ, đầu bếp, người đánh trống đồng, người cho mượn trống đồng… và mời mọi người đến dự lễ ăn cơm, uống rượu chia vui với gia đình...

Lễ cúng tổ tiên là một trong những sinh hoạt thuộc các nghi lễ vòng đời của người Lô Lô, mang tính giáo dục cộng đồng hướng về nguồn cội, biết ơn tổ tiên, giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo sự cố kết cộng đồng gia đình, dòng họ, làng bản… Đây là nghi lễ mang tính thiêng, đầy chất nghệ thuật của riêng người Lô Lô.

Ngoài ra, Ban tổ chức còn tái hiện Lễ mừng lúa mới của dân tộc K’ho tỉnh Lâm Đồng, đây cũng là hoạt động ý nghĩa, góp phần gìn giữ và giới thiệu đặc sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Trong khuôn khổ Ngày hội còn diễn ra chương trình “Bài ca mừng Đảng quang vinh - mừng xuân đất nước”. Chương trình gồm các tiết mục nghệ thuật ca ngợi Bác Hồ, tình yêu quê hương đất nước, con người, những thành tựu địa phương của dân tộc Chơ Ro tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; giới thiệu sắc màu văn hóa vùng miền của các cộng đồng dân tộc nhân dịp đầu năm mới và niềm tin sắt son của đồng bào với Đảng, với Bác Hồ kính yêu.

Kim Bảo