Khoa học công nghệ

Tài sản số - chìa khóa mở cửa nền kinh tế số

Thứ năm, 29/6/2023 | 08:52 GMT+7
Ngày 28/6, hội thảo với chủ đề "Tài sản số - chìa khóa mở cửa nền kinh tế số" diễn ra tại TPHCM. Hội thảo do Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức.

Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nhân và nhà đầu tư cùng nhau thảo luận, chia sẻ kiến thức về tài sản số, một yếu tố ngày càng quan trọng trong kinh tế số. Ngoài việc đề cập đến định nghĩa và khám phá tiềm năng của tài sản số, hội thảo cũng tập trung giới thiệu một nền tảng quản lý tài sản số tiên tiến mang tên MetaDAP (Digital Asset Platform).

Trong phần mở đầu của hội thảo, TS. Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam (VIDE) trình bày tham luận với chủ đề “Tài sản số - Chìa khóa mở cửa nền kinh tế số” nhằm giới thiệu tài sản số và vai trò quan trọng của chúng trong quan hệ với tài sản thực. Bài tham luận cung cấp cái nhìn tổng quan về quá trình phát triển tài sản số và giới thiệu các chủ trương, chiến lược của Việt Nam trong việc khai thác, phát triển tài sản số. Ông Trần Quý nhấn mạnh tiềm năng của tài sản số trong tương lai, tạo đà thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số tại Việt Nam, đồng hành với mục tiêu phát triển kinh tế số của chính phủ đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%.

Quang cảnh hội thảo

Với tham luận “Quản lý tài sản số - tiềm năng và thực tiễn”, ông Phan Quân, trưởng ban Hội viên, Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) đã làm rõ hơn về sự phát triển nhanh chóng của tài sản số trên toàn cầu và các khung pháp lý hiện có để điều chỉnh tài sản số. Ông Phan Quân đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm từ các quốc gia thành công trong xây dựng môi trường thuận lợi cho tài sản số và đề xuất áp dụng cho Việt Nam. Đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo ra một khung pháp lý linh hoạt và tiên phong, hỗ trợ sự khởi nghiệp, đầu tư trong lĩnh vực tài sản số. Đề cao việc xây dựng môi trường đáng tin cậy, minh bạch, bảo vệ người tiêu dùng và nhà đầu tư và khuyến khích sự sáng tạo, khởi nghiệp.

Nền tảng quản lý tài sản số tiên tiến – MetaDAP (Digital Asset Platform) cũng đã được giới thiệu tại buổi hội thảo. Theo đó, nền tảng này dựa trên công nghệ blockchain đảm bảo tính toàn vẹn dữ liệu, xác thực giao dịch và quản lý quyền sở hữu tài sản một cách an toàn, minh bạch và hiệu quả. MetaDAP sẽ góp phần thúc đẩy việc áp dụng công nghệ blockchain trong quản lý tài sản số tại Việt Nam, đồng thời đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế số.

Các số liệu thống kê cũng chứng minh sự tăng trưởng đáng kể của tài sản số trên toàn cầu và sự quan tâm của các nhà đầu tư. Theo báo cáo từ Gartner, giá trị tài sản số dự kiến sẽ tăng lên 175 tỷ USD vào năm 2025. Trong khi đó, theo PwC, chỉ riêng Việt Nam đã thu hút hơn 900 triệu USD đầu tư vào lĩnh vực công nghệ tài chính và blockchain trong năm 2021. Việc khai thác, phát triển tài sản số được xem là một xu hướng quan trọng và hứa hẹn trong tương lai, mang lại tiềm năng lớn cho sự phát triển của nền kinh tế số tại Việt Nam và toàn cầu. Sau hơn 3 năm chuẩn bị, MetaDap đang được nhiều khách hàng chọn lựa để làm nền tảng cho hoạt động số hóa tài sản, trong đó có khách hàng lớn đến từ Anh quốc.

Trong khuôn khổ buổi hội thảo, Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với Hãng luật InvestPush Legal cố vấn các vấn đề liên quan đến pháp lý về tài sản số, thỏa thuận với Công ty CP EHUBSTAR Việt Nam về việc triển khai các ứng dụng liên quan nền tảng quản lý tài sản số.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã trao đổi quan điểm, chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra đề xuất nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của tài sản số trong nền kinh tế số.

Hoài Nam – Thủy Tiên