Khoa học công nghệ

Chuyển đổi số ngành dịch vụ

Thứ năm, 15/6/2023 | 15:32 GMT+7
Nằm trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 năm 2023, hội thảo chuyên đề 4 với chủ đề: “Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng nhấn mạnh: “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Ðảng, Nhà nước ta trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nước ta đạt mức cao liên tục trong nhiều năm, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô nền kinh tế tăng nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực.

Đóng góp của khu vực dịch vụ vào tăng trưởng kinh tế ngày càng tăng. Các ngành dịch vụ đã phát triển đa dạng hơn, đã hình thành một số ngành dịch vụ có hàm lượng khoa học, công nghệ cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của sản xuất và đời sống. Tỷ trọng của khu vực dịch vụ tăng dần qua các năm, chiếm 41,33% GDP năm 2022…”.

Theo ông Nguyễn Duy Hưng, bước chuyển mình đó có thể được coi như là một sự chuyển đổi "kép”, kết hợp giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh tạo ra động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế nói chung và từng khu vực kinh tế nói riêng.

Cụ thể hóa chủ trương đó, Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” cũng đưa ra mục tiêu đến năm 2030 là: Các ngành dịch vụ được cơ cấu lại đồng bộ, hiệu quả trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số với chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh được nâng cao, hình thành được nhiều ngành dịch vụ mới, có giá trị gia tăng cao.

Để thể chế hóa đường lối của Đảng, Chính phủ đã ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định: y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng và logistics là các ngành dịch vụ ưu tiên thực hiện chuyển đổi số.

Hội thảo "Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng khẳng định, ngành ngân hàng nhận thức được tính cấp thiết về chuyển đổi "kép" bao gồm chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Do đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từ sớm đã ban hành đề án phát triển ngân hàng xanh, cũng như ban hành kế hoạch chuyển đổi số.

Với đề án phát triển ngân hàng xanh, mục tiêu cơ bản là tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của ngành ngân hàng với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng, góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Còn mục tiêu tổng quát của chuyển đổi số ngân hàng đó là phát triển mô hình ngân hàng số. Đặc biệt, mục tiêu quan trọng nhất đó là gia tăng tiện ích, tăng trải nghiệm của khách hàng nhờ việc khai thác hiệu quả các thành tựu của cuộc Cách mạng 4.0. Thước đo duy nhất đó là trải nghiệm khách hàng, ông Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh.

Hội thảo có 6 báo cáo chính tập trung làm rõ những nội dung về: công nghệ đám mây: động lực chính trong chuyển đổi số ngành tài chính; phát triển các sản phẩm tín dụng xanh và mô hình ngân hàng xanh; đột phá và thúc đẩy kinh doanh qua nền tảng tài chính; thương mại 2023: công nghệ không tiếp xúc và token hóa thúc đẩy phát triển thanh toán không chạm; chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam; ứng dụng công nghệ để chuyển đổi số cho các đơn vị kinh doanh.

Trong phiên thảo luận bàn tròn, các đại biểu trao đổi và làm rõ các vấn đề như: các cơ chế, chính sách khuyến khích chuyển đổi xanh trong lĩnh vực tài chính ngân hàng; giải pháp huy động vốn thực hiện những dự án tăng trưởng xanh hiện nay; giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong ngành logistics; chuyển đổi số mở ra cơ hội lớn để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế như thế nào; đánh giá về mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc sử dụng các công nghệ không tiếp xúc và thúc đẩy thanh toán không chạm hiện nay; cơ chế phối hợp giữa các bên để thúc đẩy quá trình quản lý hoạt động giáo dục nghề nghiệp nhằm phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cho đất nước.

Lan Anh