Tăng cường bảo tồn các vùng ven biển

Thứ tư, 9/2/2022 | 15:43 GMT+7
Mới đây, nhóm nghiên cứu do Đại học Queensland (Úc) dẫn đầu đã lập bản đồ về tác động của những áp lực do con người gây ra đối với các vùng ven biển, từ đó tổng kết thành tài liệu quan trọng cho các quốc gia trong việc bảo vệ khu vực trên.

Cụ thể, theo nhà khoa học Brooke Williams, trường Khoa học trái đất và môi trường, Đại học Queensland, các vùng ven biển có mức độ đa dạng sinh học cao và hàng triệu người dựa vào các dịch vụ hệ sinh thái ven biển này để sinh sống.

Tuy nhiên, tốc độ suy thoái của các khu vực này đã và đang diễn ra nhanh chóng và ở mức độ đặc biệt trầm trọng, gây ra những mối đe dọa lớn đối với không chỉ các loài và môi trường sống ven biển mà còn đối với sức khỏe, sự an toàn và an ninh kinh tế của vô số người sống hoặc dựa vào các khu vực ven biển trên khắp thế giới.

Tính đến năm 2013, chỉ có 15,5% các khu vực ven biển vẫn còn nguyên vẹn, trong đó Canada chiếm phần rộng lớn nhất, các khu vực rộng lớn khác nằm ở Nga, Greenland, Chile, Australia và Mỹ.

Còn rất ít các khu vực ven biển vẫn còn nguyên vẹn

Bà Brooke Williams đánh giá: “So với các hệ sinh thái ven biển khác, các vùng ven biển có cỏ biển, thảo nguyên và rạn san hô có mức độ áp lực của con người cao nhất”.

“Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy chúng ta cần phải hành động nhanh chóng và dứt khoát mới có hy vọng bảo tồn những vùng ven biển vẫn còn nguyên vẹn và khôi phục những vùng bị suy thoái nặng, đặc biệt là giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu", bà khẳng định.

Tiến sĩ Amelia Wenger, Đại học Queensland, cộng tác viên của nghiên cứu chia sẻ: “Mặc dù chúng ta đã biết tầm quan trọng của việc bảo vệ đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái ở những vùng ven biển này, nhưng việc có thể thấy rõ sự suy thoái này đã lan rộng và ảnh hưởng đến mức nào lại thực sự khiến mọi người “mở mang tầm mắt". Hiểu được lý do tại sao các hệ sinh thái ven biển đang chịu áp lực có thể giúp chúng tôi thiết kế và thực hiện các chiến lược quản lý có mục tiêu hơn, đồng thời hy vọng làm chậm quá trình suy thoái và thậm chí xoay chuyển nó".

Do đó, bà Amelia Wenger nhấn mạnh: “Chúng tôi kêu gọi các Chính phủ và những người quản lý các môi trường ven biển chủ động bảo tồn các vùng ven biển nguyên vẹn có giá trị mà họ chịu trách nhiệm, đồng thời khôi phục những vùng đã bị suy thoái".

Những phát hiện, nghiên cứu này đã được tổng hợp thành một bộ dữ liệu công khai, sử dụng miễn phí, giúp cung cấp những hiểu biết có giá trị về tác động rộng rãi của nhân loại đối với các hệ sinh thái ven biển quý giá của trái đất.

Tại Việt Nam, dân số ở các vùng đồng bằng ven biển tăng lên nhanh chóng, các điểm định cư nông thôn ven biển được mở rộng thêm để đáp ứng dân số đông hơn. Nhiều đô thị cũ được nâng cấp mở rộng, nhiều đô thị mới được hình thành và khá sầm uất. Tuy nhiên, cùng với tốc độ phát triển của con người, các hệ thống dựa vào tự nhiên để thúc đẩy khả năng thích ứng của vùng ven biển lại không được đánh giá cao, thậm chí đang chịu ngày càng nhiều áp lực từ hoạt động phát triển và khai thác quá mức. Hoạt động phát triển du lịch trên bờ và nuôi trồng thủy sản cũng đang làm suy giảm chức năng bảo vệ của các hệ thống cồn cát ven biển và làm xói lở bờ biển thêm trầm trọng.

Với nghiên cứu từ Đại học Queensland, Việt Nam có thể tham khảo và tự mở ra cơ hội bảo vệ sự thịnh vượng của các thế hệ tương lai trước những rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu do tổn thương vùng ven biển gây ra.

Khánh An (T/H)